Vừa qua, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn xin đoàn tụ của ông Hoành (sĩ quan quân đội về hưu) với người vợ hơn 30 năm chung sống. Tòa cũng xem xét kháng cáo đòi chia nhà, đất của người vợ - bà Lam.
Hai ông bà đều có mặt tại tòa, cả hai con gái và một số người thân cũng tới phiên xử để nghe phán quyết của Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Hơn 30 năm trước, qua mai mối, bà lấy ông - công tác trong quân đội. Cặp vợ chồng trẻ được bố đẻ của bà cho mảnh đất để sinh sống. Lương của hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu khi gia đình có lần lượt hai con gái.
Thời gian gần đây, cuộc sống của ông bà có nhiều những bất đồng, xảy ra cãi cọ. Lúc trước các con còn nhỏ, bà nín nhịn tính keo kiệt của ông. Khi hai con gái đã trưởng thành, bà quyết tâm ly hôn chồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, xét không còn cứu vãn được cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng trung niên này, TAND quận Long Biên đã chấp nhận để bà và ông "đường ai nấy đi".
Có mặt trong phiên phúc thẩm, bà giữ nguyên ý nguyện muốn ly hôn, còn ông mong tòa xem xét để hai vợ chồng đoàn tụ. Nhưng diễn biến của phiên phúc thẩm cho thấy, ông không muốn ly dị với bà vì có mâu thuẫn về chia đất đai.
"Sao bà căng thẳng đến mức không muốn đoàn tụ, hai con gái thì đã trưởng thành", chủ tọa hỏi bà ngay phần đầu phiên xử.
Giọng nghẹn ngào, bà cho hay, hơn 30 năm qua đã quá khổ. "Từ trước đến nay, ông ấy tính toán năm xu, một hào với tôi", bà nói. Theo bà, khi hạ bút viết đơn ly hôn đã suy nghĩ rất nhiều, song mối quan hệ không thể cứu vãn.
Năm 2008, bà được xác định mắc di căn ung thư đại tràng và điều này rất cần bàn tay chăm sóc của chồng. Song, từ ngày về hưu (2009), ông đi làm bảo vệ nhưng lương không đưa cho vợ.
"Không đúng. Tôi có đưa nhưng bà ấy tự ái mà không nhận", ông đáp lại. Song, bà cho hay, cuộc sống khó khăn, chồng không đỡ đần nên dù bệnh tật, một mình bà vẫn phải bươn chải buôn bán, nuôi con lợn để có thêm thu nhập.
Bà nhắc lại chuyện của nhiều năm trước ông nói: "Của tôi, tôi tiêu. Quỳ xuống chân tôi, tôi mới cho bà cầm sổ lương". Lời này của bà trình bày trước tòa, song ông phủ nhận.
Phiên tòa "nóng" ở phần chia đất đai giữa hai vợ chồng trung niên này. Bà cho hay, đất bố đẻ cho, hai vợ chồng chỉ chung sức xây dựng. Bà muốn được chia hơn hai phần vì còn có các con, ông nhận một phần. Song ông phản đối: "Tôi đề nghị 50-50 và chia dọc nhà chứ chia trước sau tôi không đồng ý".
Ông muốn tòa phân xử việc xây nhà bao nhiêu, bán một phần đất bao nhiêu thì phải làm rõ. "Tôi là người chủ nhà, cộng hết bao nhiêu tôi biết", ông nói. "Như vậy chứng tỏ ông là người rất chi li", tòa cho hay.
"Đằng sau cuộc ly hôn tất cả cũng vì đất đúng không?", tòa hỏi, ông lặng lẽ gật đầu. "Hương hỏa của nhà vợ để lại, sau này con ông hưởng chứ ai", chủ tọa khuyên.
Chủ tọa cũng đọc lại di chúc của người bố vợ việc cho đất là muốn các con cháu hội tụ. "Con người ai cũng có ưu, khuyết điểm, gia đình phải thương yêu nhau, sống phải đạo...", tòa trích nội dung di chúc. Lúc đó cả ông và bà cùng hai con gái đều im lặng.
"Bà có đồng ý quay lại với ông, để các con cháu có gia đình trọn vẹn?", chủ tọa hỏi bà. "Tôi không muốn", bà kiên quyết. Con gái bà nói thêm rằng, mẹ cô vì nhìn quê quán, người thân nên mới chung sống với bố. Hai người đã mâu thuẫn từ rất lâu. Cô nói: "Đề nghị tòa cho mẹ cháu ly hôn ngay bây giờ".
Sau khi khuyên giải, xem xét "lý - tình", tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên các quyết định của cấp sơ thẩm, để bà ly hôn chồng.
* Tên nhân vật đã thay đổi.