Ông Vinh vẫn còn nguyên bức xúc như 16 năm trước. Ảnh: T.N. |
Vụ việc xảy ra từ năm 1992, ông Võ Văn Vinh và ông Đặng Đạo (cùng ngụ Bình Định) ký hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu với Campuchia (Vikamex, Bộ Thương mại) vận chuyển gỗ tròn từ Campuchia về TP HCM nên huy động 10 xe vận tải, trong đó có 2 xe riêng của mình để chở hàng.
Một lần, khi các xe chở gỗ về đến tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) thì Phạm Quang Vinh, một lơ xe, đã làm giả lệnh giao gỗ của Công ty Vikamex. Theo đó, người này đã điều 3 xe gỗ, trong đó có 2 xe của ông Vinh và ông Đạo bán cho Xí nghiệp gỗ 22/12 tỉnh Sông Bé rồi ôm tiền bỏ trốn.
Khi sự việc được phát hiện, Vikamex báo với Phòng an ninh điều tra (công an TP HCM). Ngay lập tức, cơ quan này đã tạm giữ và câu lưu 2 chiếc xe của ông Vinh và ông Đạo nhằm buộc 2 chủ xe phải chịu trách nhiệm trả nợ thay cho Phạm Quang Vinh.
Quá trình điều tra, hồ sơ vụ việc được chuyển cho cảnh sát kinh tế, rồi qua cảnh sát điều tra thụ lý và khởi tố vụ án hình sự vào ngày 23/11/1992. Tuy nhiên, do không tìm ra được thủ phạm nên cơ quan này đã phải đình chỉ điều tra do... hết thời hạn. Ngay sau đó, hai chiếc xe tải của ông Vinh và ông Đạo được "lệnh" giao lại cho chủ sở hữu nhưng phía Vikamex không chấp hành. Phải đến khi cảnh sát buộc phải ra quyết định thu hồi “vật chứng” thì hai ông này mới nhận lại được tài sản nhưng những chiếc xe đã bị hư hỏng nặng.
Bức xúc trước sự việc mà cơ quan điều tra và Vikamex "đối xử" với mình, ông Vinh và ông Đạo đã khởi kiện hai bị đơn này. Theo họ, các cơ quan này đã làm mất nguồn thu nhập chính đáng mà những chiếc xe tải mang lại, đồng thời đã làm hư hỏng tài sản khi "giam oan" xe.
Tại lần xét xử thứ 8, tòa đã buộc Công an TP HCM và Vikamex liên đới bồi thường cho ông Vinh 290 triệu đồng và ông Đạo 285 triệu đồng nhưng ngay lập tức các bị đơn này đã kháng cáo lại bản án.
Ngày 11/8, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM cho rằng, phán quyết của cấp sơ thẩm chưa chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế mà nó có thực, không điều tra cụ thể đến xác định mức bồi thường cho 2 đương sự, làm quyền lợi của các bên không giải quyết được thấu đáo. Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy án, giao hồ sơ vụ việc về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu.
Như vậy, sau 16 năm đi kiện, với 8 phán quyết của các cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, các nguyên đơn đã phải hàng chục lần lặn lội từ Bình Định vào TP HCM và ngược lại nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ.
Vũ Mai