Xao nhãng khi lái xe là một trong những nguyên nhân phổ biến trên thế giới dẫn đến những tai nạn mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bộ não của một người bình thường gặp khó khi thực hiện hai việc cùng một lúc.
"Với kinh nghiệm huấn luyện lái xe chuyên nghiệp 10 năm qua, tôi khẳng định rằng kể cả với một người bình thường, việc lái xe hàng ngày sẽ tốn khoảng 85% năng lượng bộ não của họ", Matt Gerlach, chuyên gia của Ford tại Australia nói. "Riêng việc nhắn tin khi lái xe cũng có thể làm bộ não quá tải, gia tăng khả năng gây tai nạn".
Trong một thống kê của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) hồi 2016, có khoảng 3.450 người tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến việc xao nhãng khi lái xe. Trong đó xem điện thoại là hành vi phổ biến nhất và tài xế tuổi teen thuộc nhóm người sử dụng nhiều nhất.
Tại Việt Nam, quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ôtô, xe máy đã có. Tuy nhiên nhiều người vẫn bất chấp dù mức phạt tiền là 600.000 - 800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe.
"Quy định là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Tôi lái xe tải ở Sài Gòn nhiều năm qua thấy đồng nghiệp dùng điện thoại phải gọi là nhan nhản", anh Thanh Tuấn, quận 9, TP HCM chia sẻ.
Sử dụng điện thoại, tương tác với màn hình trên xe, trò chuyện với người khác đều có thể khiến tài xế mất tập trung. Đặc biệt với những tay lái mới, kinh nghiệm chưa nhiều khó giữ được bình tĩnh trước những tình huống bất ngờ. "Suy cho cùng là ý thức của mỗi tài xế thôi", anh Tuấn nói.
Phạm Trung