Ngày 1/12 tại Hà Nội, Trường Hải và Daimler - tập đoàn mẹ của thương hiệu Fuso và Mercedes - đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe tải, xe bus hiệu Fuso tại thị trường Việt Nam. Nội dung cuộc ký kết này có hai phần:
1. Cuộc chuyển nhượng Fuso từ Mercedes Việt Nam (MBV) sang Trường Hải
MBV phân phối xe Fuso từ tháng 10/2014 tới nay, trước đó là liên doanh Vina Star (hiện là Mitsubishi Việt Nam). Sau khoảng 3 năm, thương hiệu xe tải Nhật lại thêm một lần đổi nhà phân phối. Trường Hải sẽ nhận lại mảng kinh doanh xe tải, bus Fuso từ MBV gồm: thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý; và có trách nhiệm duy trì dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, sửa chữa, thay thế phụ tùng.
Nội dung cuộc chuyển giao này không nhắc tới dây chuyền sản xuất và nhà xưởng. Điều này có nghĩa là Trường Hải sẽ chưa tiếp quản dây chuyền sản xuất hiện tại của Fuso tại Gò Vấp (chung khuôn viên với nhà máy Mercedes). Từ 1/1/2018, hãng sẽ bắt đầu bán số xe Fuso do MBV đã lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu về.
Động thái này của Trường Hải cho thấy hãng xe của ông Trần Bá Dương còn nhiều tính toán phía sau. Trong buổi lễ ký kết tại Hà Nội, có sự xuất hiện của ba bên là Trường Hải, đại diện tập đoàn Daimler và cả Mercedes Việt Nam. Theo chuyên gia trong ngành, không loại trừ khả năng trong thời gian tới, xe Fuso sản xuất ở nhà máy Mercedes Việt Nam lại do Trường Hải phân phối.
Viễn cảnh này hợp lý trong điều kiện hãng xe Đức có hệ thống phân phối xe thương mại khiêm tốn 16 đại lý, trong khi mạng lưới bán hàng rộng lại là thế mạnh của Trường Hải. Đại diện Fuso và Mercedes Việt Nam không bình luận gì về ý kiến này.
Lý giải cho việc Fuso có nhà phân phối mới thay vì Mercedes Việt Nam, đại diện Daimler cho biết đây là chính sách chung của tập đoàn để tách biệt hai mảng xe con và xe thương mại. Mercedes Việt Nam chỉ nên tập trung vào sản xuất, nhập khẩu và phân phối xe con.
Năm 2014, MBV bán Fuso như một cái tên thay thế hợp lý cho chiếc minibus Sprinter trước đây, vốn ngừng sản xuất từ 2012. Mọi sản phẩm của Fuso đều phát triển theo chính sách chung của tập đoàn từ Đức. Đây dường như lại trở thành một trở ngại khi khó điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với thị trường Việt. Đến hết tháng 10, doanh số năm 2017 của Fuso là 769 xe, chiếm 13,7% doanh số của Mercedes Việt Nam.
2. Trường Hải nhận chuyển giao công nghệ và phân phối từ Mitsubishi Fuso
Trường Hải sẽ tổ chức sản xuất, lắp ráp tất cả các chủng loại xe tải Fuso, mẫu xe bus Roxa và sử dụng động cơ, cụm linh kiện chính yếu để sản xuất, lắp ráp các loại xe bus khác và sản xuất linh kiện nội địa hoá theo tiêu chuẩn của Fuso Nhật và Daimler Đức.
Những sản phẩm của Fuso trước đây được Mercedes Việt Nam nhập khẩu có thể sẽ trở thành xe lắp ráp khi thuộc quyền quản lý của Trường Hải.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Bá Dương cho biết tầm nhìn xa mà ông hướng tới sau hợp đồng này là Trường Hải sẽ lắp ráp cả xe thương mại của những thương hiệu khác ngoài Fuso, cùng thuộc tập đoàn Daimler như Mercedes, Feightliner, BharatBenz... Như vậy, trong tương lai tại thị trường Việt Nam có thể chứng kiến cảnh cùng thương hiệu Mercedes nhưng Mercedes Việt Nam phân phối xe con và Trường Hải phân phối xe thương mại.
Nếu phân phối Fuso mang lại doanh số cao, Trường Hải còn hướng tới xuất khẩu xe sang ASEAN với tỷ lệ nội địa hoá nội khối 40% để hưởng thuế 0%, giống cách đang làm với thương hiệu xe con là Mazda.
Trước đó không lâu, Trường Hải chấm dứt hợp đồng sản xuất, phân phối xe thương mại với Hyundai Hàn Quốc. Xe thương mại Hyundai tại Việt Nam đã "quy về một mối" do tập đoàn Thành Công phân phối. Tiếp nhận Fuso là bước bổ sung vào danh mục sản phẩm.
Giống như xe con, từ phổ thông như Kia, Mazda tới hạng sang là BMW, Trường Hải muốn xe thương mại cũng mở rộng phân khúc. Fuso vốn là thương hiệu Nhật Bản, với tầm giá cao hơn so với các đối thủ sẽ là cái tên nâng cấp danh mục cho Trường Hải sau những thương hiệu xe thương mại như Thaco, Kia.
Trong 2017, Trường Hải thực hiện hai cuộc "hôn phối" lớn với xe sang BMW và xe thương mại Fuso thuộc Daimler. Giống như các thương hiệu vốn có, chủ trương của ông Trần Bá Dương luôn là hướng tới lắp ráp trong nước. Xe của Trường Hải giảm giá liên tục mang lại hiệu ứng giảm cho toàn thị trường, người tiêu dùng được lợi. Tuy nhiên, doanh số cao, tăng nhanh cũng đặt ra thách thức cho hãng là chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Muốn có nhiều khách hàng trung thành, ngoài giá xe thấp hơn đối thủ, hãng còn cần xây dựng tốt niềm tin và sự hài lòng để đón khách quay trở lại.
Đức Huy