Hết tháng 6, thị trường ôtô nhập khẩu chỉ có vỏn vẹn vài dòng xe có hàng, chưa kể số lượng xe bán ra trong tình trạng nhỏ giọt, khiến người mua không có nhiều lựa chọn và phải mua với giá cao.
Doanh số xe nhập khẩu giảm sâu
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Toru Kinoshita cho biết, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp ôtô tại Việt Nam đã giảm 31% từ khi Nghị định 116 có hiệu lực ngày 1/1.
Nghị định 116 ra đời khiến kế hoạch kinh doanh xe nhập khẩu của các hãng tại Việt Nam đảo lộn, hầu hết vướng yêu cầu Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phương tiện (VTA). Hồ sơ này được coi là giấy thông hành cho việc nhập khẩu xe.
Sếp một doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng các quốc gia khác không có loại giấy như quy định của Việt Nam, nên họ mất nhiều thời gian chuẩn bị. Kế hoạch đặt sản xuất cũng hoãn lại phòng trường hợp không đáp ứng yêu cầu, không thể đưa xe về bán. Một số hãng sau vài tháng đầu lo các thủ tục đã đủ điều kiện nhập xe về, nhưng chừng ấy là không đủ lựa chọn cho nhu cầu của khách.
Honda nhanh nhạy có được VTA cho một loạt xe nhập khẩu từ Thái Lan hồi tháng 3. Đến tháng 5, Chevrolet là hãng tiếp theo có thể đưa xe về. Tuy nhiên, nhiều dòng xe nhập khẩu ăn khách khác vẫn vắng bóng. Nhiều tháng liên tiếp, doanh số Toyota Fortuner đều bằng 0, dù trước đó luôn đứng top doanh số. Các đại lý đã hết hàng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trên lý thuyết số lượng xe nhập khẩu sẽ tăng mạnh khi nhiều dòng xe từ ASEAN nhập vào Việt Nam hưởng thuế suất 0%.
Tình trạng xe về nhỏ giọt khiến thị trường loạn giá. Để nhận ngay CR-V, người dùng phải chấp nhận lắp thêm phụ kiện với giá hàng chục triệu đồng. Chưa kể giá bán niêm yết cũng tăng khi các hãng lý giải do ảnh hưởng của Nghị định 116.
Người dùng bị "quay như chong chóng" để mua xe. Có khách đặt xe từ cuối 2017 đã phản ứng gay gắt khi nhận xe phải lắp thêm phụ kiện. Tuy vậy, vài tháng sau anh lại cảm thấy may mắn khi nhiều người mua sau chưa nhận được xe, trong khi giá vẫn tăng.
Không có xe nhập để bán, nhân viên kinh doanh của nhiều showroom mừng rỡ khi có thông tin các dòng xe này sắp về đại lý, dù số lượng không nhiều. “Có thêm xe là có thêm khách, bởi khách đến showroom không mua dòng xe này có thể tham khảo và lựa chọn dòng xe khác”, một nhân viên kinh doanh chia sẻ.
Xe nhập khẩu không chính hãng được dịp tăng giá
Xe chính hãng nhập về trồi sụt kéo theo tình trạng xe cũ giữ giá hơn. Nhiều dòng xe nhập khẩu đã qua sử dụng, được chào bán với giá còn cao hơn cả xe mới.
Chuyện khách mua xe CR-V, Fortuner đi một thời gian rồi bán lại vẫn được giá hơn không phải hiếm. Đại diện một showroom chuyên xe cũ cho biết nguồn cung xe nhập khẩu cũ không nhiều nhưng giá bán cao hơn, nên biết lựa thì các showroom lẻ vẫn có thể "sống" được.
Nhiều showroom chuyên nhập khẩu mới trước đây cũng đã chuyển dịch sang kinh doanh xe đã qua sử dụng, bởi quy định khắt khe của Nghị định 116 cũng chặn cửa với các showroom không chính hãng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, một số showroom vẫn nhập các dòng xe sang, độc hiếm. Đường về cho những xe này nhiều khả năng theo dạng quà biếu, tặng hoặc Việt kiều hồi hương, bởi theo quy định mỗi người có thể được nhận một xe biếu tặng/năm.
Nửa cuối năm: có hàng, giá khó giảm
Hết tháng 6, nhiều hãng xe đã có VTA, cũng như phần nào có kế hoạch cho sản phẩm để phân phối ra thị trường. Các chuyên gia nhận định, nguồn hàng ổn định hơn nhưng giá sẽ khó lòng giảm vì các hãng tính toán thiệt-hơn so với 2017.
Honda Việt Nam công bố giá bán mới cho dòng xe CR-V 2018, tăng 10 triệu đồng từ 1/7. Trong khi đó, Toyota Việt Nam cũng đã đưa ra bảng giá cho dòng xe Fortuner, bán trở lại vào tháng 8. Mẫu SUV cỡ trung của Toyota cũng tăng giá so với phiên bản hiện tại.
Xe bán tải Hilux, có thêm một số phiên bản mới bán từ tháng 8, nhưng giá cao hơn vài chục triệu đồng so với bản cũ. Ngoài ra, các dòng xe giá rẻ từng được đưa về Việt Nam thăm dò của Toyota cũng sẽ về Việt Nam trong nửa cuối năm, nhưng thời gian cụ thể chưa được công bố.
Xe nhập khẩu có nhiều lựa chọn hơn, nhưng lượng cung có đáp ứng đủ cầu hay không thì chưa có câu trả lời rõ ràng. Bởi nhập khẩu xe các hãng đều phải phụ thuộc vào nhà máy ở nước ngoài. Họ có thể ưu tiên thị trường này, bớt ưu tiên thị trường khác phụ thuộc vào doanh số.
Ngoài ra, khi nhập hàng về lô hàng nào cũng cần kiểm tra một mẫu đại diện cho mỗi kiểu loại theo quy định tại Nghị định 116. Do đó, các hãng cũng không thể ngay lập tức đưa xe ra thị trường dù có xe về cảng.
Trong cuộc họp giữa kỳ của Diễn đàn doanh nghiệp, đại diện nhóm công tác ôtô và xe máy, ông Toru Kinoshita cho biết thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn của lô xe nhập về mất gần 3 tuần theo quy định tại Nghị định 116. Thời gian chờ thử nghiệm có thể kéo dài hơn khi nhiều ôtô nhập khẩu của các hãng sẽ về nước trong những tháng tới.
Với những thay đổi ở quy định quản lý, kinh doanh ôtô nhập khẩu, nửa đầu năm 2018 hầu hết hãng xe đã đi chệch ray về kế hoạch bán hàng. Sự chờ đợi của những người có ý định mua xe trong năm 2018, với viễn cảnh xe nhập đổ bộ ồ ạt, giá rẻ hơn hiện vẫn chưa như kỳ vọng.
Ngọc Tuấn