Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Fortuner có doanh số 1.165 xe, trong khi CR-V bán được 867 xe, xếp thứ 6 và thứ 8 trong tháng 9 về doanh số. Khách phải chi thêm tiền mua phụ kiện để nhận xe sớm, dù trên thị trường còn nhiều sản phẩm cùng phân khúc.
Toyota Fortuner bán trở lại từ tháng 8, sau khi không có hàng, lọt vào nhóm xe bán chạy trong 2 tháng liên tiếp. Tại các đại lý, khách mua xe phải chi thêm khoảng 100 triệu lắp các loại phụ kiện kèm theo đối với phiên bản máy xăng, trong khi bản máy dầu bán đúng giá niêm yết không kèm phụ kiện. Tháng 9, phiên bản động cơ xăng chiếm hơn một nửa doanh số (639 chiếc) Fortuner bán ra.
Ở phân khúc của Fortuner, còn nhiều đối thủ cạnh tranh khác như Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Hyundai Santa Fe hay Isuzu mu-X. Tuy nhiên, các dòng xe này đều không vượt qua được doanh số SUV Nhật Bản.
Trong khi đó, Honda CR-V cũng tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ ở phân khúc crossover. Khách phải ký chờ xe hoặc phải chi thêm tiền lắp phụ kiện để nhận ngay những chiếc CR-V khan hàng, theo lời nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, doanh số tháng 9 của chiếc crossover 5+2 vẫn đứng đầu phân khúc, bán được 867 xe, xếp trên so với Mazda CX-5 (851 xe).
Một nhân viên bán hàng của Toyota cho biết thời điểm nguồn xe không ổn định, khách muốn mua phải chấp nhận lắp thêm phụ kiện vì nhu cầu quá cao. "Quy luật cung-cầu là tất yếu và nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiền phụ kiện để có xe sử dụng ngay", nhân viên kinh doanh chia sẻ.
Câu chuyện "bia kèm lạc" tại Việt Nam diễn ra với nhiều dòng xe, không chỉ riêng Fortuner và CR-V. Khi nguồn hàng không đáp ứng đủ, đại lý thường tung chiêu bán kèm phụ kiện hoặc tăng giá để thu lợi. Nhân viên kinh doanh một hãng xe cho biết làm theo quy định của đại lý, bản thân cũng không hưởng lợi từ số tiền này.
Phương Linh