Không nhân viên chờ khách, không một khách hỏi mua, anh Văn Định, chủ showroom bán ôtô cũ trên đường Phạm Hùng, Quận Bình Chánh, TP HCM ngồi sâu trong phòng làm việc, lướt điện thoại.
Văn Định không mong chờ nhiều khách mua ở giai đoạn này, vì tình cảnh đìu hiu đã từ nửa năm trở lại đây, giá xe mới thì giảm đều đặn."Xe nhập bây giờ hết cửa, còn làm gì được nữa", anh nói và chỉ tay về garage sửa chữa phía sau showroom, hướng đi mới của Định vào 2018.
Chính sách mới khóa lối nhập xe
Nếu những năm qua, Thông tư 20 chừa một lối kinh doanh cho các doanh nghiệp này là "xe lướt", thì Nghị định 116 và 125 lần lượt được chính phủ ban hành trong những tháng cuối 2017, trở thành gọng kìm bịt kín đường nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng.
Nghị định 116 đòi giấy triệu hồi ủy quyền, giấy cam kết của hãng xe nước ngoài về việc hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh, phụ kiện cho showroom, là những điều kiện vượt quá khả năng của các doanh nghiệp tư nhân.
"Những yêu cầu này là quá khó đối với chúng tôi. Chưa kể thuế nhập khẩu tăng cao, kinh doanh ôtô cũ nhập lướt dễ thở như trước mới là chuyện lạ", giám đốc một công ty tư nhân nói.
Với nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe nhập lướt, họ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Không thể nhập xe là một chuyện, phải làm gì để bán được hàng khi giá xe trong nước giảm liên tục mới là chuyện khó.
Đại diện một số công ty đều chung quan điểm là chờ thị trường ổn định vào 2018, thời điểm boăn khoăn của khách hàng về xe giá rẻ có hiện diện tại Việt Nam nhiều khả năng sáng tỏ.
Tại showroom của Văn Định, người chủ tỏ ra bình thản nói về cách xoay xở khi "mọi sự đã rồi". Anh cho biết xe không nhập được thì còn xe nào bán xe đó. Đóng cửa công ty là điều anh không hề muốn.
"Tôi cũng không giảm giá, xe cũ lâu nay vẫn là giao dịch kiểu thương lượng. Giá giảm qua các năm là điều đương nhiên, nhưng nếu giảm bây giờ để đẩy hàng, khách trả giá thấp hơn nữa thì lỗ nặng", anh Định nói. Anh hy vọng những xe nhập Mỹ như Toyota Camry, Sienna, Range Rover sẽ có khách tìm mua vì người chuộng chất lượng xe nhập tại Việt Nam là không ít.
Nhiều doanh nghiệp khác không được bình thản và lạc quan như Định. Hàng loạt showroom trên đường Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng (Hà Nội) đóng cửa, treo biển cho thuê lại cửa hàng. Các ông chủ chuyển hướng kinh doanh sản phẩm khác, có người hướng tới xe máy điện, xe đạp điện, người tạm ngừng buôn bán để "ủ mưu chờ thời".
Những hướng đi mới
Nhiều công ty kinh doanh xe nhập lướt chưa đăng ký biển số coi việc thu mua ôtô cũ trong nước là hướng đi an toàn hơn. Nhưng đó chỉ mới là dự tính chưa thể triển khai ngay. Nguyên nhân lớn bởi xe chính hãng liên tục giảm giá, tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng sang năm 2018 khiến giá xe cũ biến động theo.
Một chủ showroom tại Quận 8 cho biết, thu mua những mẫu xe có truyền thống giữ giá như Vios, Camry đối với họ bây giờ cũng là bài toán đầy rủi ro. "Giá xe chính hãng tháng trước và sau giảm vài chục triệu là chuyện bình thường. Người mua lấy cớ đó đòi hỏi giá thấp hơn khi thương lượng. Hai tháng nay tôi đâu dám mua chiếc nào từ khách", anh này nói thêm.
Ảnh hưởng của chính sách nhập khẩu tràn đến những công ty nhập khẩu ôtô giá rẻ. Ví dụ cho trường hợp này là các mẫu xe đô thị như Kia Morning, Chevrolet Spark nhập Hàn Quốc khó về Việt Nam như trước đây.
Theo Nghị định 125/2017, mức thuế tuyệt đối áp dụng cho những mẫu xe dung tích không quá một lít là 10.000 USD. Sau khi cộng các khoản thuế TTĐB, VAT và các chi phí khác, mức giá tăng lên hơn gấp đôi, thậm chí cao hơn giá xe chính hãng cùng đời. Riêng phiên bản van hai chỗ, thùng kín của những xe này, phí trước bạ 2% không còn là lợi thế thu hút người tiêu dùng.
Anh Bắc, trưởng phòng kinh doanh một công ty nhập khẩu tư nhân tại QL13, Quận Thủ Đức cho biết, ngay khi có thông tin về Nghị định mới, công ty quyết định ngưng nhập hoàn toàn các mẫu hatchback, van cỡ nhỏ vốn là thế mạnh trước đây của doanh nghiệp này.
"Hướng kinh doanh 2018 là tập trung hoàn toàn cho xe mới. Các xe cỡ nhỏ còn tồn sẽ bán túc tắc cho ai có nhu cầu", vị trưởng phòng nói. Hiện một mẫu Morning Van đời 2012 giá khoảng 220 triệu, con số cùng kỳ năm ngoái là 280 triệu đồng.
Xe van từng là trào lưu tại Việt Nam từ 2013-2014 với lượng tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM vì tính cơ động, mức giá bình dân. Với các hàng rào phi thuế quan, thị trường ngách đối với các mẫu xe giá rẻ qua sử dụng được nhiều doanh quan tâm dường như không còn hy vọng.
Điều kiện và thuế nhập khẩu tăng mạnh có thể xem như cú chốt hạ đối với giới kinh doanh xe nhập lướt. Những cơ sở có tiềm lực tài chính và mạng lưới khách hàng tốt mới mong trụ lại. Số khác buộc phải kinh doanh kiểu cầm chừng hoặc chuyển hướng. Nhập xe hay không hiện không còn nằm trong tầm kiểm soát của họ.
Thành Nhạn