21 giờ ngày 6/3/2011, trời miền Bắc lạnh như cắt trong tiết tháng 2 âm lịch. Trịnh Hà (41 tuổi, Thanh Hóa) nhận cuộc gọi từ số của chồng, nhưng đầu dây bên kia là y tá của bệnh viện Tam Điệp (Ninh Bình). Chồng cô bị tai nạn ôtô, đang hôn mê sâu.
Người phụ nữ thường ngày khỏe mạnh nay đứng không vững, đổ sụp xuống bộ ghế salon mới mua. Thông báo tin cho hai đứa con vẫn còn là học sinh, rồi ba mẹ con ôm nhau khóc. Trong phút chốc, từ một chủ sạp quần áo tại chợ trung tâm huyện rất lanh lợi, Hà không còn biết phải làm gì, ngoài việc gọi cho họ hàng.
Trước đó 30 phút, chồng Hà là Phạm Phương (42 tuổi) gặp tai nạn tại Dốc Xây, con dốc khuất tầm nhìn vốn được coi là ranh giới tử thần giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Phương làm nghề quản lý xe ra vào bến, kiểm soát khách lên xuống cho một nhà xe địa phương chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội. Như mọi ngày, cứ khoảng 20 giờ 30 phút xe từ Hà Nội về tới Dốc Xây. Hôm đó Phương ngồi ở ghế phụ, chân gác lên táp-lô nằm ngủ. Trời mưa, đường trơn, tài xế mất kiểm soát, chiếc xe 24 chỗ đâm thẳng vào đuôi xe rơ-moóc, tất cả tối xầm.
Ghế của Phương cũng như những ghế khác bị tháo hết dây an toàn, hình ảnh quen thuộc về xe khách tại Việt Nam. Mất 6 tháng đi đủ các bệnh viện từ tỉnh ra Việt Đức (Hà Nội) rồi về lại tỉnh, Phương mới giữ được mạng sống, nhưng lúc nhớ lúc quên, không thể làm việc trở lại. Căn nhà mặt đường khang trang phải bán vội để đủ tiền chữa trị gần một tỷ.
Cách nhà vợ chồng Phương chỉ 500 m là một gia đình với vị thế xã hội khác hẳn. Mai Tuấn giữ chức to tại cơ quan huyện, vợ là trưởng bộ môn Toán trường cấp ba. Tháng 8/2017, trong một lần đi ăn giỗ, Tuấn lái chiếc Mazda3 đâm xuống ruộng, xe nổ túi khí. Hai bố con ngồi trên không ảnh hưởng, nhưng vợ ngồi sau không thắt dây an toàn nên gãy cổ.
Người Việt đang hàng ngày đi ôtô, từ xe con tới xe khách với kiến thức về an toàn gần như bằng không. Một số nhà xe có trang bị dây an toàn ở các ghế, nhưng cũng chỉ để làm cảnh. Tài xế không nhắc nhở khách hàng, trong khi khách không có chút ý niệm.
Cả Phương, Tuấn đều không nghĩ tới việc thắt dây an toàn và nhắc người khác thắt dây khi đi ôtô. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, người ngồi ghế trước sẽ giảm 45-50% nguy cơ tử vong nếu thắt dây an toàn, giảm 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng và giảm 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương ở ghế sau.
Dây an toàn và túi khí là hai bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống công nghệ an toàn thụ động trên ôtô. Khi những công nghệ an toàn chủ động như cảnh báo va chạm, phanh chủ động, hỗ trợ phanh, khung xe hấp thụ lực... đều đã trở nên vô nghĩa, thì dây an toàn và túi khí là cơ hội cuối cùng để bảo vệ an toàn cho người trên xe. Nhưng số người hiểu được vấn đề này lại không nhiều.
Toyota Nhật Bản cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ số người đi ôtô cài dây an toàn trên xe hơi là rất thấp, chỉ 25%. Mức này ở Nhật là trên 90%. Cao nhất ở khu vực là Thái Lan và Indonesia với 30%, trong khi Việt Nam, với văn hóa ôtô đi sau nhiều chục năm, tỷ lệ này chỉ 20%.
Thị trường xe hơi Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, khi những tiêu chí bền, giữ giá dần thoái trào để nhường chỗ cho thiết kế đẹp và trào lưu "option hóa". Trong những option mà khách hàng luôn quan tâm mỗi khi mua xe, công nghệ an toàn vẫn là một yếu tố không ảnh hưởng quá nhiều.
Nguyễn Nam, nhân viên bán xe kỳ cựu tại một đại lý xe Nhật cho biết, mỗi ngày anh tiếp cả chục lượt khách, mỗi tháng vài trăm lượt, nhưng họa hoằn lắm mới có người hỏi "xe này có bao nhiêu túi khí". Khi cân nhắc giữa hai phiên bản, khách thường hướng tới tiện nghi hưởng thụ chứ ít ai quan tâm tới an toàn.
"Khách sẽ chọn phiên bản này vì hơn phiên bản kia ở gương gập tự động, điều hòa tự động, màn hình cảm ứng, chứ hiếm khi vì một bản 6 túi khí, một bản chỉ hai túi khí", Nam cho biết.
Không chỉ khách hàng bình dân, thói quen này còn đúng với khách hàng xe sang. Thiết kế, câu chuyện và sự nuông chiều của không gian nội thất lấn át những thông số kỹ thuật khô khan về công nghệ như ổn định thân xe, hỗ trợ phanh, cảnh báo điểm mù. Quản lý bán hàng một showroom xe sang Đức từng ngao ngán, khi có những khách hàng xách cả túi tiền mặt nhiều tỷ đến mua xe, nhưng lại chỉ quan tâm "xe này ngồi có êm như xe khác".
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh số ôtô qua các năm nhanh nhất trong khu vực, số người lái và sử dụng ôtô ngày càng chiếm phần lớn hơn trong dân số. Nhưng tốc độ nhận thức, am hiểu về văn hóa đi xe lại không tăng tương ứng. Chuyên gia lái xe an toàn của các hãng cho biết, mỗi lần cho khách lái thử xe là một lần thót tim "cầu nguyện". Những chuyên gia này cho rằng, để thay đổi, đào tạo sát hạch và pháp luật phải hoàn thiện.
Thực tế, thắt dây an toàn hay lái xe thế nào để an toàn đều là một phần trong giáo trình dạy lái xe. Luật Việt Nam cũng quy định bắt buộc mọi vị trí trên xe đều phải thắt dây an toàn nếu có trang bị. Nếu không thắt, mức phạt theo Nghị định 46/2016 là 100.000-200.000 đồng. Cả triệu lượt ôtô cứ qua lại ở những ngã tư mỗi ngày, nhiều tài xế không thắt dây, nhưng không ai bị phạt. Vẫn còn đó là những quan điểm "ngô nghê" như đi chậm trong thành phố không cần thắt dây an toàn hay thắt dây ra phía sau lưng để xe khỏi cảnh báo.
Hơn 7 năm từ khi gặp tai nạn thảm khốc, hiện Phương chỉ quanh quẩn đi ra đi vào, quét nhà quét sân. Anh nhiều lần ngỏ ý muốn kiếm một công việc để đi làm trở lại, nhưng gia đình phản đối vì não bộ không ổn định. Vợ Tuấn sau vụ tai nạn đã trở lại đứng lớp, nhưng mang tâm lý sợ ôtô, mỗi lần nhắc tới đi xe đường dài là một lần chóng mặt.
Cái giá mà gia đình Phương hay Tuấn phải trả, vẫn còn "may mắn" theo cách nói của nhiều người, vì giữ được mạng sống, dù cái chết cận kề. Mỗi năm Việt Nam có hơn 22.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số đó, có những người không bao giờ về nhà vì quên thắt dây an toàn.
Phương hàng ngày ngồi ở bộ bàn uống trà trước nhà, thỉnh thoảng nói thao thao bất tuyệt về những chiếc xe con chạy qua, thứ từng là mục tiêu phấn đấu, khi anh còn kiếm ra tiền.
Đức Huy