CR-V thế hệ mới với 7 chỗ, động cơ tăng áp, thiết kế mới là mẫu xe được kỳ vọng tại Việt Nam bởi thêm tiện ích nhưng nhập khẩu từ Thái Lan, được hưởng ưu đãi 0% thuế nhập khẩu vào 2018. Khi xuất hiện hôm 13/11, Honda lại không đưa ra giá bán chính thức cho cả 3 phiên bản mà chỉ có giá dự kiến là gần 1,1 tỷ cho bản cao nhất.
Mức giá này rẻ hơn gần 60 triệu so với con số 1,158 tỷ của CR-V 2.4 trước đó, nhưng đắt hơn 200 triệu so với giá đã giảm vài tháng gần đây. Sự thay đổi mang tới những phản ứng khác nhau từ khách hàng. Honda Việt Nam thì kỳ vọng, những ưu thế trong vận hành có thể lu mờ mức giá đang cao nhất phân khúc.
Sau buổi lễ ra mắt, CR-V mới được bố trí chạy thử dành cho giới truyền thông. Tương tự Civic một năm trước, hãng sắp xếp hai đường thử giống hệt nhau, dành cho CR-V cũ và CR-V mới, để cảm nhận rõ sự khác biệt. Ba bài thử là tăng tốc, đánh lái qua cua và chạy chậm qua gờ giảm tốc.
Ở bài đầu tiên tăng tốc. Nếu chỉ chạy CR-V cũ để so sánh với các đối thủ như Mazda CX-5 thì mẫu xe của Honda vận hành năng động và thể thao hơn hẳn với hộp số tự động 5 cấp, động cơ 2.4. Nhưng lái hai chiếc CR-V cũ và mới liền nhau mới thấy sự tối ưu của hộp số CVT mới.
Cùng một đoạn đường như nhau, đạp sát ván CR-V 5 chỗ lên được 90 km/h, nhưng sang bản 7 chỗ thì tốc độ lên tới 100 km/h. Độ trễ chuyển số trên xe cũ rõ rệt, khật khừng dưới chân ga. Bản mới thì khác, hộp số vô cấp CVT liền mạch thành một dải tốc độ từ thấp lên cao, CR-V 7 chỗ lừ lừ tiến mà không chút nghỉ lấy đà chuyển số. Tất nhiên người ưa cảm giác sang số sẽ thấy thiếu thiếu gì đó khi đạp ga xe 7 chỗ.
Động cơ 1.5 tăng áp ưu việt hơn hẳn 2.4 trước đây. Công suất tương tự 188 mã lực nhưng đạt ở tua máy sớm hơn (5.600 so với 7.000 vòng/phút). Mô-men xoắn 240 Nm tại dải 2.000-5.000 vòng/phút, trong khi bản cũ chỉ là 222 Nm tại 4.400 vòng/phút. Lợi thế của bộ tăng áp giúp xe đạt mô-men xoắn lớn ở ngay tua máy thấp, cải thiện khả năng tăng tốc nước đầu.
Hết đoạn đường thẳng, tài xế phải đạp phanh gắt để đưa tốc độ xuống ngưỡng 45 km/h, đánh lái sang trái tránh một cọc tiêu, rồi lập tức giật về phải thật nhanh vào cua lớn, tiếp tục lắc lái sang trái để giữ xe qua cua. Ở dải tốc độ 40-45 km/h trong cua, đuôi xe cũ có dấu hiệu văng, kiểm soát vô-lăng cũng khó khăn hơn đôi chút. Ngược lại, bản mới thân xe chắc chắn hơn, không bị vẫu đuôi cá hay giật ngang.
Cảm nhận rõ rệt nhất là khi ngồi ở hàng ghế thứ hai, thân người sẽ mất kiểm soát khi bị quăng quật sang hai bên liên tục. Thế hệ mới giải quyết tốt điều này, hành khách sẽ thấy ổn định và thẳng xe hơn. Với địa hình đồi núi cua liên tục, khách có tiền sử say xe phù hợp với CR-V mới hơn.
Để thân xe cân bằng qua cua, CR-V mới cần tới sự hỗ trợ của cân bằng điện tử VSC và hỗ trợ đánh lái chủ động AHA (Agile Handling Assist), một công nghệ cũng trang bị trên Civic. AHA sẽ phanh bánh xe phía trong khi xe cua, sau đó khi trả lái sẽ phanh bánh xe phía ngoài, để đảm bảo xe vào đúng đường cua mà tài xế muốn. AHA làm việc "thầm lặng", vì vậy tài xế khó có thể nhận biết như ESP.
Hết vòng cua là lúc mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều, cho xe chạy từ từ về nơi xuất phát, với tốc độ khoảng 30 km/h, qua gờ giảm tốc cao. Sự khác biệt giữa hai phiên bản cũ và mới là không rõ rệt bởi tốc độ chậm, nhưng CR-V 7 chỗ tỏ ra chắc chắn, giảm xóc vừa đủ êm ái và cũng không quá mềm để mất đi tính thể thao.
Đường chạy ngắn chưa đủ để kiểm chứng hết những tính năng mới của mẫu crossover 7 chỗ nhưng CR-V đang thể hiện tốt những thay đổi đáng giá. Không nhiều mẫu xe ở Việt Nam sang thế hệ mới nâng cấp toàn diện từ thiết kế nội, ngoại thất, động cơ, hộp số, công nghệ an toàn và tiện nghi như CR-V.
Honda kỳ vọng CR-V sẽ đạt doanh số cao hơn thế hệ cũ. Trong cuộc đua 2018, thêm một hàng ghế là thêm lợi thế so với đối thủ. Bên cạnh tiện ích về sử dụng hàng ngày, CR-V có DNA thể thao giống như Civic, một yếu tố để lấy lòng các khách hàng trẻ ưa cầm lái.
Đức Huy