"Mặc cho ủng hộ rất lớn từ phía cộng đồng và sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, dự án chúng tôi đang theo đuổi không thể tiếp tục vì vấn đề tài chính", Andrew Sheridan, quản trị chính của dự án siêu xe nhanh nhất thế giới nói với BBC.
Như vậy, kế hoạch đưa Bloodhound trở thành mẫu xe chạy nhanh nhất trên mặt đất đi đến hồi kết dù cuối 2017, các kỹ sư gấp rút chuẩn bị để siêu xe này chạy thử lần đầu tiên trên một lòng hồ khô cạn ở Nam Phi vào cuối 2018. Để tiếp tục cuộc chạy đua tốc độ hướng đến cột mốc 1.600 km/h, dự án ước tính cần thêm khoảng 32 triệu USD.
"Chúng tôi hiện làm việc với các đối tác chính để trả lại thiết bị của bên thứ ba. Đồng thời bán các tài sản còn lại của dự án để hoàn trả tối đa cho các nhà đầu tư", Andrew Sheridan cho biết.
Siêu xe nhanh nhất thế giới có tên đầy đủ Bloodhound Supersonic Car (SSC). Dự án này khai sinh vào 2007 với sự tham gia của một đội đua Công thức 1 (F1) và các chuyên gia hàng không vũ trụ. Kinh phí thực hiện thông qua các kênh quyên góp, tài trợ và hợp tác đầu tư.
Bloodhound SSC sử dụng động cơ phản lực lấy từ máy bay chiến đấu Eurofighter-Typhoon. Mục tiêu của "tia chớp trên mặt đất" là vượt qua kỷ lục tốc độ 1.227 km/h của chiếc Thrust SSC do Andy Green, phi công chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh, xác lập hồi 1997.
Phạm Trung