Bài của Hoài Thu viết về "Vấn nạn ô tô chiếm làn trái trên cao tốc", trong đó cho rằng người cố tình đi làn trái mà không nhường cho xe khác vượt là không có văn hoá giao thông. Sau đó bạn Tô Minh phản đối bằng bài viết "Xe chiếm làn trái trên cao tốc là chuyện bình thường", cho rằng Hoài Thu đang thể hiển tính ăn thua trong ý kiến của mình. Sau đây là ý kiến của tôi, tôi cũng rất muốn "ăn thua đủ" vấn đề này.
Trước hết, xin phép nói đùa cụm từ “ăn thua”, còn tôi góp ý trên tinh thần xây dựng và chân thành. Tôi nghĩ, vì an toàn của chính mình chúng ta chẳng chạy xe kiểu "ăn thua" đủ đâu mà nhiều khi có chuyện gấp cần phải đến đích càng sớm càng tốt trong điều kiện cho phép.
Tôi ủng hộ bạn Hoài Thu đã nói lên suy nghĩ của mình với tinh thần xây dựng và tôi không thấy có tí ăn thua đủ nào trong đó cả. Tôi cũng không chỉ trích gì bác Tô Minh vì tôi hiểu “tâm lý và quan điểm của cá nhân của con người mang tính chủ thể rất cao”. Tuy nhiên, cái quan điểm chủ thể của chúng ta không phải lúc nào cũng đúng khi đối chiếu nó với những quy chuẩn chung. Trong trường hợp này, quan điểm của các bác là việc chiếm làn trái trên cao tốc nhiều làn là bình thường và thích vượt hay đi bên nào là quyền của các bác. Quan điểm này rất tiếc đã sai so với các quy tắc chung trong luật.
Thứ nhất, Điều 14 Luật Giao thông quy định về vượt xe:
Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Như vậy, Luật quy định chúng ta phải nhường đường khi có xe xin vượt và vượt về bên trái. Tuy nhiên, sẽ có tranh luận về việc ở cao tốc nhiều làn thì chạy và vượt làn nào là việc của tôi.
Xin thưa, khi tham gia giao thông ở cao tốc chúng ta phải tuân thủ những quy tắc mà Luật đã quy định. Cụ thể: Điều 13 Luật Giao thông ghi “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải”. Trên cao tốc, những làn ở phía phải là những làn dành cho dòng xe có tốc độ thấp. Làn trái dành cho dòng xe chạy tốc độ cao hơn hoặc để vượt xe. Hơn nữa, khi vượt bên trái là an toàn, còn bên phải hạn chế tầm nhìn dễ xảy ra tai nạn nếu không quan sát kỹ.
Một số đường cao tốc có nhiều làn với tốc độ quy định cho các làn khác nhau giảm dần từ trái sang phải. Ví dụ 100 - 80 - 80. Vậy nếu đang chạy 100 km/h ở làn trái ngoài cùng bị vướng xe cũng chạy 80 km/h ở làn đó không cho vượt, sẽ phải làm gì? Vượt sang phải sẽ gặp làn 80 km/h và nếu vượt lên để về làn 100 km/h của mình thì sẽ vi phạm tốc độ tối đa cho phép của làn 80 km/h này.
Còn nói về Mỹ nơi bác Tô Minh sống nhiều năm. Họ có Luật rõ ràng cấm các xe chiếm làn trái. Xin trích dẫn vài dòng như sau: “Left Lane for Passing Only” Làn trái chỉ để vượt xe, “Slower Traffic Keep Right” Phương tiện đi chậm hơn đi về bên phải. “Must move right to let faster traffic pass” Bắt buộc sang phải để các phương tiện đi nhanh hơn vượt, “Yield left lane to faster traffic on signal. This applies even when faster traffic is speeding” Nhường làn trái cho xe đi nhanh hơn đang xin vượt. Điều này áp dụng cả trong trường hợp xe đi nhanh hơn đang vượt tốc độ cho phép, “The law prohibits obstructing the regular flow of traffic on any state highway” Luật cấm cản trở sự lưu thông bình thường của dòng phương tiện trên tất cả các đường cao tốc của bang…
Trong trường hợp tài xế nào cố tình chiếm làn trái sẽ họ bị phạt lên tới 500 USD (nóng hay nguội) tuỳ điều kiện, tuỳ mức độ vi phạm. Nếu có thời gian mời các bác tìm hiểu thêm thông tin. Ví dụ, tìm kiếm bằng các cụm từ “New Law Could Fine Slow Drivers in Left Lane” Luật mới có thể phạt những tài xế lái xe chậm ở làn trái. “Man gets ticket for driving too slow” Nam tài xế bị phạt vì lái xe quá chậm. “Not letting highway drivers pass in left lane could cost you 500 USD” Giữ làn trái không cho phép các xe khác vượt bạn có thể bị phạt 500 USD….
Rất tiếc là ở Việt Nam ta chưa có các chỉ dẫn hay các chế tài xử phạt nghiêm minh nên còn tranh cãi. Mong các bạn cũng đừng bảo tôi rằng không thích thì sang Tây mà sống. Tôi yêu Việt Nam!
Tôi chỉ xin phép góp ý thêm vậy thôi và mong mọi người cùng tìm hiểu để bản thân mỗi chúng ta khi tham gia giao thông trước là vì sự an toàn của bản thân và gia đình, sau là tuân thủ luật pháp và có những hành vi ứng xử văn minh để xã hội ngày càng tốt đẹp. Thân ái!
Độc giả Hoàng Mạnh Cường