Bị xếp lịch trực đúng 30 Tết, Vũ- cậu bạn tôi hoàn thành công việc lúc 7 giờ tối, lật đật gọi điện cho tất cả các nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa với hy vọng còn xe về quê, không cần biết đứng, ngồi hay nằm. Câu trả lời là hết chỗ, xe đã xuất bến. Sau một hồi nghĩ đủ mọi cách vẫn không được, bất ngờ Vũ nhận được cuộc gọi rủ về cùng của một người anh cùng quê. Quá may mắn.
Đó là chuyện của năm ngoái, còn năm nay Vũ đã mua được ôtô, cả nhà bốn người thong thả chất hành lý vào cốp, lên đường về quê. Nhưng trong số hàng triệu người Việt từ quê ra thành phố lớn lập nghiệp, chỉ số ít có ôtô, còn lại đều đi xe máy. Những ngày về quê dịp lễ, Tết trở thành cực hình.
Khắp các bến xe là cảnh chen chúc, cửa vừa mở là người, hàng tràn lên như ong vỡ tổ. Dọc đường cao tốc, quốc lộ, nào người già, con trẻ, bồng bế nhau bên những va li, đùm túi to nhỏ, cứ thấy xe khách đi qua lại với lên với hy vọng kiếm được chỗ về quê. Công nghệ thông tin hơn là dân văn phòng, lên Facebook tìm các hội nhóm chia sẻ xe, đi xe chung, để có chỗ ngồi thoải mái.
Nhưng dù là cách nào, kiếm được xe về quê trong những ngày này vẫn quá khổ sở. Tôi lại ước, giá mà Việt Nam để ôtô phát triển theo tiêu chí chỉ là một phương tiện, thay vì bắt nó trở thành hàng xa xỉ, phải đóng hàng chục thứ thuế, phí.
Định hướng, điều tiết thị trường và những mục tiêu vĩ mô chỉ những người làm chính sách mới hiểu. Tất nhiên, đúng hay sai, phù hợp hay không cần có thời gian thực tế trả lời. Nhưng với từng cá nhân, chúng ta không cần và cũng không có nghĩa vụ phải nghĩ tới những điều đó.
Nghĩa vụ của các ông chồng là làm việc tăng thu nhập, cố gắng mua được chiếc ôtô nhỏ, giá phù hợp nhất để vợ con được di chuyển an toàn, ấm áp ngày mùa đông, tránh mưa bão, nắng gắt mùa hè.
Và những ngày Tết như thế này, hình ảnh luôn khiến tôi cảm thấy một Việt Nam văn minh, đủ đầy và tiềm năng phát triển nhất là ánh mắt các cô cậu nhóc dán qua cửa kính ôtô quan sát hai bên đường, ở hàng ghế trên, bố mẹ đang lái xe và cười nói.
Độc giả Nguyên Khoa