Từ khi coi mua xe là điều xa xỉ, đến khi coi đó là một việc bình thường, cần thiết để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Nghĩ là nghĩ vậy, chứ đâu phải ai ai cũng có điều kiện đâu.
Tôi ở tỉnh lẻ, hai vợ chồng cùng con nhỏ lương tháng chưa tới 10 triệu. Thân tự lo thân, thì lấy đâu ra tiền mua xe. Mong ước là thế, nhưng với mức lương so với giá ôtô quá cao như hiện nay thì đến suy nghĩ và hành động vẫn còn xa xôi.
Thiết nghĩ, Nhà nước nên thay đổi cách áp thuế, phí đối với ôtô. Ưu đãi cho xe lắp ráp, nhưng đóng cửa đối với chính sách xe nhập khẩu, thì xe lắp ráp trong nước không có sự cạnh tranh. Xe lắp ráp vẫn một mình một ngựa. Ôtô vẫn sẽ không đến được với đại đa số người dân. Và xe đến được thì không đúng với giá trị thực của nó.
Vẫn biết áp giá với mục đích bảo hộ sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng hãy nhìn sang Australia. Nền công nghiệp ôtô trong nước của họ đã phá sản bởi việc nhập xe từ Thái Lan quá mạnh mẽ. Nhưng người ta vẫn chấp nhận. Cái gì không làm được, không phải là thế mạnh thì sẽ bị đào thải. Chúng ta hãy làm, sản xuất những cái mà chúng ta có lợi thế, còn những cái không làm được thì hãy nhập về. Đừng mất công tìm kiếm cái mà chúng ta khó để thực hiện.
Vẫn biết áp giá, thuế phí để giảm lượng ôtô cá nhân, vì đường không thể đáp ứng được. Nhưng nên áp vào đúng nơi đúng chỗ, như các thành phố lớn (HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…) có thể tăng thuế trước bạ lên cao để hạn chế (hiện là 12%). Còn các tỉnh còn lại (hiện 10%) nên giảm xuống vì điều kiện đường vẫn còn rộng rãi.
Trong khi điều kiện, mức sống người dân còn thấp. Rồi cách chính sách cũng phải thay đổi, ngày xưa chiếc xe đạp như cả gia tài, rồi cũng có. Mong một chiếc xe máy hơn cả gia tài rồi cũng có. Theo sự phát triển của xã hội thì mong một chiếc ôtô rồi cũng có. Chỉ có điều, Nhà nước hiện thực hóa nó như thế nào, trong bao lâu, 5 hay 10 năm nữa mà thôi.
Chúc cho mọi người ai cũng sớm có ôtô để đi, che mưa, che nắng, che khói bụi, an toàn cho bản thân và gia đình.
Độc giả Nguyễn Bảo Viên