Tại triển lãm Paris cuối tháng 10, một trong những triển lãm lớn trong năm, có sự xuất hiện của nhiều dòng xe mới, giới truyền thông đã miệt mài tìm kiếm một mẫu xe đặc biệt khác với những gì đã hé lộ từ trước.
Những điều thú vị nhất mà cánh nhà báo, phóng viên chứng kiến có lẽ nằm ở màn ra mắt hai mẫu VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0, thương hiệu ôtô mới toanh từ Việt Nam, NYTimes nhận định. Hãng xe non trẻ xuất hiện cùng Hoa hậu Việt Nam và chương trình nghệ thuật truyền thống có lẽ là những gì ấn tượng nhất tại một trong những kỳ triển lãm xe lớn nhất năm.
Ở gian hàng kế bên, Ferrari thu hút sự quan tâm bằng bản nhạc ồn ào, cùng một nhóm khách hàng trung thành, trong màn giới thiệu siêu xe 488 Pista Spider, giá từ 350.000 USD. Tất cả những gì đọng lại của một kỳ triển lãm xe danh tiếng là sự xuất hiện của một hãng ôtô mới thành lập và hãng siêu xe trình diễn nghèo nàn như các thương hiệu phổ thông.
"Triển lãm ôtô đang chết dần", nhận xét ngắn gọn của Herbert Diess, người đứng đầu Volkswagen (VW) toàn cầu đưa ra khi tham dự sự kiện lớn thường niên Goodwood Festival of Speed tại Anh. "Sự kiện thường niên theo phong cách của những năm 60 thế kỷ trước hiện không còn phù hợp nữa. Chúng tôi không thể truyền tải điều mình muốn, trong khi khách hàng không nhận được thứ họ cần từ một sự kiện như vậy", vị lãnh đạo của VW chia sẻ thêm.
Goodwood Festival of Speed tổ chức theo không gian mở, cho phép khách tham quan có thể nhìn ngắm các dòng xe trong điều kiện tự nhiên và các hoạt động thi lái ôtô, xe máy. Bên cạnh đó, người tham gia sự kiện còn được thưởng thức rượu vang, đắm mình trong các bản hoà nhạc.
Âm hưởng không mấy tốt đẹp từ Anh, như một lời cảnh báo đến triển lãm Los Angeles 2018 trên đất Mỹ. Thế nhưng trước ngày dành cho báo chí, một số mẫu xe mới đã lộ diện trên các phương tiện truyền thông như xe mới của Mazda, Mini, Honda, Jeep và Porsche cùng một vài tên tuổi khác. Điều đó vô tình khiến công việc của giới nhà báo tại triển lãm bớt đi phần thú vị.
Bước ra khỏi cách làm truyền thống, Volvo cũng thuê một gian trưng bày tại triển lãm trên đất Mỹ, nhưng không hề trưng bày một mẫu ôtô nào. Hãng xe Thuỵ Điển kết hợp cùng đối tác có màn trình diễn công nghệ LiDar, sử dụng laser để giúp ôtô lái tự động tránh những phương tiện lưu thông xung quanh. "Đây là thời điểm cần phải tạo ra những thứ khác biệt, bằng cách làm khác đi", Giám đốc điều hành của Volvo chia sẻ.
Tại Detroit, thủ phủ ôtô của Mỹ, ban tổ chức đã quyết định thay đổi thời gian tổ chức triển lãm vào tháng 1 như nhiều năm qua. Năm 2020, triển lãm sẽ diễn ra vào tháng 6, với hy vọng khách hàng tiềm năng sẽ tham dự một lễ hội ngoài trời, nơi họ có thể lái thử những chiếc xe mới.
Thế nhưng thông tin này đã nhận phải phản ứng dữ dội từ các hãng xe. Volvo, BMW, Audi, Mercedes và một số nhà sản xuất đã tuyên bố không tham gia. Tất nhiên đây là hiệu ứng dây chuyền, bởi các hãng xe đều xem động thái của đối thủ trước khi quyết định.
Một triển lãm lớn bắt buộc các hãng phải tham gia để thu hút hàng ngàn phương tiện truyền thông khác nhau, hiện đã trở nên lỗi thời. "Nếu không có một màn ra mắt thích đáng, chúng tôi sẽ không tham gia triển lãm", đại diện của Audi cho biết.
Hãng xe Đức có kế hoạch tổ chức sự kiện khoảng 1-2 ngày cho riêng giới truyền thông để tìm hiểu kỹ lượng về sản phẩm mới, như vậy hiệu quả hơn so với đến một kỳ triển lãm. Gần đây, hãng xe Mỹ đã mời khoảng 1.200 cây bút đến San Francisco để giới thiệu SUV điện E-tron.
"Khi thực hiện một buổi lễ ra mắt lớn, giới truyền thông không đủ thời gian để hiểu hết những gì những hãng muốn truyền tải", đại diện của Audi chia sẻ. "Trong một ngày dành cho truyền thông tại triển lãm xe, phóng viên phải tìm hiểu 10-15 thương hiệu khác nhau, do đó không thể thực hiện những bài viết dài, chủ đề khác biệt vì phải chạy theo guồng sự kiện", người phát ngôn của Audi bày tỏ quan điểm.
Với một vài nhà sản xuất, việc tiếp tục tham gia triển lãm là khoản đầu tư lãng phí. Chi phí cho các phần việc tại triển lãm như ánh sáng, âm nhạc, người mẫu và nhiều khoản phụ phí khác có thể tốn từ nửa triệu USD.
Phương tiện truyền thông số đã thay đổi cách các hãng xe quảng bá sản phẩm. Năm ngoái, BMW ra mắt mẫu M5 mới thông qua loại hình trò chơi điện tử. "Trước mỗi kỳ triển lãm, các hãng xe phải thực hiện nhiều công việc từ chuẩn bị hình ảnh, bảng thông số kỹ thuật cho đến nội dung trả lời phỏng vấn. Do đó, giới truyền thông hầu như đã có đủ thông tin trước khi triển lãm diễn ra", Giám đốc truyền thông của Centigrade cho biết.
Tuy nhiên, đại diện truyền thông của VW lại có ý kiến trái ngược. "Triển lãm thu hút nhiều người tham dự, là nơi có thể bán xe. Chúng tôi coi triển lãm là cách thức truyền thống để mang sản phẩm đến trước công chúng, những người có thể sẽ chi tiền mua xe ngay tắp lự", Greg Lucia đại diện truyền thông của VW cho biết.
"Tại triển lãm, mỗi hãng xe chỉ có khoảng 20 phút để giới thiệu về gian trưng bày và các sản phẩm chủ đạo. Bằng đấy thời gian là không đủ, chúng tôi đồng ý. Nhưng họ phải làm điều gì đó khác biệt hơn những thứ giới truyền thông có thể thực hiện bên ngoài khuôn khổ triển lãm", Chủ tịch Hiệp hội đại lý ôtô New York chia sẻ.
Ý kiến về việc triển lãm ôtô đang dần thoái trào có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng nhiều dấu hiệu xấu đã hiển hiện. Tại triển lãm Paris, phần lớn diện tích trưng bày được sử dụng cho xe máy và nhiều mẫu xe tải của Suzuki. Một số công ty đến triển lãm Paris cố gắng lợi dụng bối cảnh một số hãng không tham gia triển lãm, nhằm đàm phán mức giá thuê gian trưng bày. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức sự kiện đã thẳng thừng từ chối.
Đại diện nhà tổ chức triển lãm Paris đồng ý với quan điểm phải thay đổi cách thức sự kiện diễn ra. "Chúng tôi sẽ phải đầu tư thêm nhiều, sáng tạo hơn, thu hút hơn. Các gian trưng bày có thể nhỏ đi. Chúng tôi phải tạo ra một triển lãm chất lượng, tạo dấu ấn tốt với khách tham quan, giới truyền thông", Jean-Claude Girot người đứng đầu ban tổ chức triển lãm Paris chia sẻ.
Phương Linh (theo NYTimes)