Khoảng một năm trước, Hiệp hội nghiên cứu ôtô Ấn Độ (ARAI) đưa ra quyết định ảnh hưởng tới tỷ lệ khoảng sáng gầm của mọi chiếc ôtô bán ra ở thị trường nội địa. Khi đó, ARAI thay đổi quy định đo thông số vốn khá quen thuộc với những người sử dụng xe hơi và khiến ôtô ở Ấn Độ có điểm khác biệt với những nơi khác trên thế giới, theo Cartoq.
Ví dụ, trong khi Toyota Fortuner ở Australia có khoảng sáng gầm 225 mm, thì cùng mẫu này ở Ấn Độ, thông số lại là 184 mm. Hay ở nước ngoài, Volkswagen Tiguan có khoảng sáng gầm là 189 mm, thì con số này với xe bán ra ở Ấn Độ chỉ ở mức 149 mm.
Theo quy định mới, khoảng sáng gầm của một chiếc xe 4 bánh được đo dựa trên tải trọng của xe. Tải trọng là tổng trọng lượng của một chiếc xe khi chất đầy hàng hóa. Khi đủ tải, hệ thống treo của xe bị nén xuống, làm giảm khoảng sáng gầm.
Nội dung của quy định mới chính là việc thay đổi cách đo khoảng sáng gầm của một chiếc xe. Nhưng về cơ bản, dù thông số khoảng sáng gầm giữa xe bán ra ở Ấn Độ và những nơi khác trên thế giới có khác nhau, sản phẩm vẫn chỉ là một. Sự khác biệt chỉ là trên giấy tờ, còn thực tế không có gì thay đổi.
Lý do ẩn chứa phía sau quyết định thay đổi của ARAI mới là điểm đáng chú ý. Trở lại năm 2013, Ấn Độ áp thêm một mức thuế 3% lên mọi loại xe có khoảng sáng gầm trên 170 mm và khiến giá xe tăng, đặc biệt với nhiều mẫu SUV.
Mahindra - hãng ôtô nội địa - tìm cách lách luật. Mẫu XUV500 của thương hiệu này được hạ thấp tấm chắn gầm giúp khoảng sáng gầm của mẫu SUV này chưa tới 170 mm.
Cách làm thông minh giúp Mahindra tránh được việc phải trả khoản thuế mới. Còn ARAI cũng dễ dàng biết được cách thức mà hãng ôtô thực hiện. Các nhà làm luật quyết định thay đổi phương pháp đo khoảng sáng gầm.
Bằng việc thay đổi luật, ARAI ngầm ngăn chặn các hãng sản xuất xe hơi như Mahindra chơi xấu. Ngoài ra, hạ thấp tấm chắn gầm còn có thể dẫn tới những bất tiện, thậm chí nguy cơ tiềm ẩn với người sử dụng xe.
Mỹ Anh