Vợ chồng Hà Trần - Bình Đoàn. |
- Sau một đám cưới bất ngờ, đình đám đầu năm chị đột nhiên biến mất. Chị có vẻ tâm đắc với hình ảnh: "... Lần nào đến cũng mang theo bí mật..."?
- Bí ẩn là quyền lực, nhưng với tôi đâu có gì khó hiểu. Ổn định cuộc sống mới mà.
- Và đó là...?
- ... Là ngày bình yên với những công việc nội trợ bình thường như mọi phụ nữ.
- Vào lúc cần đẩy mạnh hình tượng và ảnh hưởng cá nhân thì điều này có vẻ như một sự hy sinh?
- Không, là một chọn lựa. Những người hy sinh vì sự nghiệp thường không mấy hạnh phúc. Nhưng chẳng ai nói người hạnh phúc không thành đạt cả. Ít nhất được cân bằng sau những năm tháng mệt mỏi phấn đấu chuyện công danh.
- Chồng sản xuất nhạc, chị có nghĩ mình sẽ có nhiều thuận lợi?
- Anh Bình, chồng tôi, là một producer nghiệp dư viết, sản xuất nhạc cho bản thân và cho bạn bè. Ở Mỹ rất nhiều người như vậy. Có một dòng chảy những người làm nhạc tự do không theo trào lưu gọi là Underground Music, trong đó có những nhân vật rất nổi tiếng như Erykah Badu, ban nhạc Tool, Nine Inch Nails. Thậm chí đoạt giải Grammy như Outkast. Tuy nhiên, không phủ nhận, qua Bình, tôi được tiếp xúc với nhiều nhân vật thú vị có thể hợp tác sau này.
- Chị nói rằng: "Im lặng là một sự tôn trọng nghệ thuật", nhưng im lặng với một diva có thể bị hiểu là "cạn vốn". Chị có sợ sự lãng quên, sự thất vọng ở người hâm mộ?
- Sợ chứ, nhất là càng nổi tiếng thì càng sợ bị quên. Tuy nhiên đứng ngoài tung hô mới thấu đáo thực tế, là vắng mặt hay có mặt đều bị quên như nhau thôi. Cuộc sống là thế, "kính nhi viễn chi". Những danh hiệu đã có, tôi cho là quà tặng của công chúng. Họ cho thì mình nhận, mình cảm tạ nhưng mình không sống vì danh hiệu được. Mỉa mai là âm nhạc cần hồn nhiên mà đã sống cho danh hiệu thì sao hồn nhiên nổi? Tôi chỉ muốn mọi người tìm mình để nghe nhạc.
- Album mới của Thanh Lam - Hà Trần ghi nhận sự hợp tác đầu tiên giữa hai diva. Tuy vậy, nghe CD và theo dõi chiến dịch tiếp thị thì sự xuất hiện của chị hơi... mỏng nếu không muốn nói là ít đất thể hiện. Chị giống một khách mời nhiều hơn là một trong hai nhân vật, sao vậy?
- Tôi tiếc không ở Việt Nam dịp ra mắt CD. Đã coi nhau là bạn thì ai chính ai phụ quan trọng gì! Hà muốn chia sẻ với Lam bằng những hành động cụ thể chứ không phải đôi lời an ủi, tâm sự. Nếu qua album khán giả khen ngợi sự trở về của Thanh Lam thì với tôi, thế là đủ.
- Sau việc ca sĩ Bằng Kiều, Thu Phương, dư luận trong nước rất nhạy cảm đối với những ca sĩ chọn đất khách làm nơi định cư. Giới văn nghệ hải ngoại tẩy chay và lên án họ. Thực hư ra sao?
- Thú thật tôi chỉ được nghe kể lại mấy anh chị có họp khiển trách và rút kinh nghiệm cho Bằng Kiều. Họ cũng là nghệ sĩ, ít nhiều thông cảm. Ai nỡ hắt hủi, tẩy chay gì? Hiện tại, Bằng Kiều, Thu Phương và một số ca sĩ từ VN qua vẫn trình diễn chung với nghệ sĩ hải ngoại.
- Hà được đón nhận ở bên đó như thế nào?
Hà Trần hạnh phúc bên chồng. |
- Tôi tham gia trình diễn khi được mời và không bận rộn. Nhìn chung vui vẻ. Ở đây việc ai nấy làm, mình không đụng chạm cũng chẳng ai điều tiếng. Khán giả chỉ thấy mình qua băng đĩa nên đón tiếp nồng nhiệt. Nhà tổ chức nói chung không quan tâm, bán được vé là họ mời.
- Nhưng nghe nói ở Mỹ ca sĩ nào cũng chỉ diễn casino, vũ trường hoặc trong các quán bar, ít được hát sân khấu lớn. Trong điều kiện eo hẹp như vậy, mục đích nào để những ngôi sao Việt Nam tham vọng Mỹ tiến?
- Hầu hết biểu diễn trong casino vì chi phí nhà hát rất cao, show lớn mới chi trả nổi. Cũng có thể khán giả ở Mỹ thích đến casino hơn, vừa xem vừa tiện... chơi bài. Xứ Mỹ rộng, người Việt rải rác, phải thu xếp mới đi xem được chứ không dễ dàng như ở Việt Nam. Mỗi người đến Mỹ với một hoàn cảnh, một mục đích khác nhau. Có thể vì lập gia đình, vì tham vọng cá nhân, vì trước môi trường mới, khán giả mới họ bị cuốn hút, cũng có thể chỉ để kiếm tiền…Ở đâu cũng có cái dễ cái khó, không có gì trọn vẹn cả.
Nghệ sĩ cần cảm thấy mình mới mẻ, dẫu là tự kỷ. Đi khỏi môi trường thân thuộc phải chấp nhận cuộc sống lành ít dữ nhiều, chấp nhận thử thách. Thành công khỏi nói còn nếu thất bại cũng được bài học. Trong những điều kiện không dành cho mình bản lĩnh của một con người mới được khai thác. Nói gì chăng nữa mỗi người phải chịu trách nhiệm hành động của mình. Đứng ngoài đánh giá không bao giờ thấy hết cả.
- Chị có dự định hợp tác với trung tâm Thúy Nga không?
- Nếu có lời mời, tôi rất vinh dự. Nhưng nếu để được hợp tác mà phải tuyên bố này nọ như hiện nay thì không. Nghệ sĩ bên đây nhiều người cũng muốn về Việt Nam trình diễn. Khán giả luôn đón nhận hồn nhiên. Rất tiếc còn những rào cản.
- Vậy là, sau Bằng Kiều, Hà Trần chọn Mỹ làm nơi định cư. Sau này có thể gọi chị là ca sĩ Việt kiều không nhỉ?
- Tôi vẫn là công dân Việt Nam dù ở đâu chăng nữa. Việt Kiều, Việt Nam chẳng nhẽ không phải người Việt? Sao lại phân biệt thế nhỉ? Tôi có một gia đình lớn ở Việt Nam và một tổ ấm nhỏ bên Mỹ. Đơn giản vậy thôi.
- Mỹ là nơi chị đến để lấy chồng hay... lấy chồng để đến?
- Cách đây 2 năm sang Mỹ lần đầu tiên Hà đã lên New York nộp hồ sơ xin học bổng. Lúc đó chưa cảm thấy hôn nhân là điều thích hợp. Tôi muốn làm thêm vài album trước khi đi học. Rồi gặp anh Bình … thế là mọi chuyện thay đổi. Vẫn đến Mỹ đúng kế hoạch nhưng khác mục đích. Vốn không tin nhưng quả thực vợ chồng là duyên nợ.
- Từng coi sự nghiệp là trọng tâm, luôn từ chối những câu hỏi về tình yêu. Đoàn Bình có bùa phép gì biến Hà Trần đầy tham vọng một năm trước đây thành người phụ nữ nhất mực gia đình?
- Sự ổn định và quan trọng nhất là niềm tin. Tin vào sức mạnh của hai thành một. Tin mình không đơn độc trên một hành trình dài. Tin rằng một người phụ nữ đến mức nào đó cần hạnh phúc hơn cả. Và trên hết, tin rằng anh sẽ làm cho cuộc đời tôi vui hơn, tốt đẹp hơn .
- Bao giờ khán giả quê nhà đón chị trở lại?
- Khi nào xong một album, hay một dự án. Tôi không muốn về tay không.
(Theo Ngoisao.net)