Khác với những đêm thi trước, ba đội vào chung kết: hợp ca Huế, TP HCM và Long Xuyên phải thể hiện hai ca khúc, bao gồm một ca khúc được chọn mới và một ca khúc mà đội bạn đã thể hiện trước đó.
Với Đứa bé, đội TP HCM đưa cả xe ba gác, gánh hàng rong, hộp đánh giầy lên sân khấu để tái hiện cuộc sống mưu sinh của trẻ mồ côi. Họ sử dụng màn hình lớn làm hậu cảnh, chiếu hình ảnh các em bé lang thang, nghèo đói, khiến nhiều khán giả không cầm được nước mắt.
![]() |
Tiết mục "Đứa bé" của đội TP HCM. Ảnh: Ân Nguyễn. |
Một thành viên trong đội hợp ca TP HCM vốn xuất thân là trẻ đánh giày nên những chia sẻ của cậu càng khiến người xem cảm động.
"Em từng đi đánh giày, từng sống cuộc sống lang thang, ăn cơm thừa canh cặn của người khác, ngủ đầu đường xó chợ. Đôi khi ở một mình em rất cô đơn. Em mong muốn mọi người sẽ chung tay giúp những trẻ em nghèo như em trên toàn quốc có được cuộc sống hạnh phúc", cậu nói trong nghẹn ngào.
Cả khán phòng lắng đọng lại trước tâm sự thật lòng của thành viên đội Phan Đinh Tùng. Và sau đó là những tràng vỗ tay không dứt dành cho họ. Ca sĩ Mỹ Lệ cũng xúc động: "Chính sự giản dị của các bạn đã làm lay động tất cả khán giả có mặt ngày hôm nay. Sự giản dị đó làm nên nét đẹp riêng cho bài hát này".
Hợp ca TP HCM còn thể hiện lại ca khúc Bay đội Long Xuyên từng trình bày, nhưng theo sáng tạo mới là phối nhạc và dựng bài theo điệu tango hiện đại. Đội Phan Đình Tùng nổi bật với trang phục đỏ rực trên sân khấu. Tuy nhiên, đội chưa thể hiện hết được tinh thần sôi động của bài hát. Cách thể hiện của đội chưa tới nên khán giả không hào hứng như tiết mục Đứa bé.
![]() |
Đội Long Xuyên trẻ trung trong ca khúc 'Taxi'. Ảnh: Ân Nguyễn. |
Cũng chọn ca khúc nhạc dance của Nguyễn Hải Phong, nhưng Taxi của đội Long Xuyên, dưới sự chỉ huy của Đức Tuấn, đem đến không khí sôi động hơn. Sau một lúc đầu khán giả bỡ ngỡ khi màn kết hợp giữa nhạc kịch và dance, Đức Tuấn cùng các thành viên đã lôi kéo khán giả hòa nhịp theo giai điệu bài hát.
Trước đó, trong tiết mục tự chọn, đội Long Xuyên để lại ấn tượng đẹp với tà áo dài truyền thống trong bài ca Dạ cổ hoài lang. Đội này còn mang nguyên dàn trống lên trên sân khấu để biểu diễn. Tiết mục có sáng tạo khi kết hợp bài vọng cổ dưới dạng hợp ca.
Chia sẻ về ca khúc, Đức Tuấn cho biết: “Sau khi cho 'vựa lúa' đi chu du khắp thế giới, từ châu Âu qua tới vùng viễn Tây của Mỹ, tuần này tôi đưa họ trở lại nơi cội nguồn dân tộc. Đó chính là đồng bằng sông Cửu Long nơi họ sinh ra và lớn lên. Với màn trình diễn này, hợp ca Long Xuyên muốn kết hợp loại hình hợp ca của phương Tây với đờn ca tài tử Nam bộ, tạo nên nét riêng độc đáo”. Sau tiết mục, Đức Tuấn chắp tay cảm ơn khán giả đã ủng hộ.
Ca sĩ Phan Đình Tùng nhận xét: "Thú thật là tôi rất bất ngờ. Bất ngờ vì dàn trống rất hoành tráng, trang phục rất đẹp. Tiếng trống cất lên làm cho mọi người đều cảm nhận không khí rất hào hùng”.
![]() |
Đội Huế trong trang phục Tây Nguyên thể hiện "Vũ điệu hoang dã". Ảnh: Ân Nguyễn. |
Đội Huế cũng sáng tạo không kém với hai tiết mục dự thi trong đêm chung kết. Mỹ Lệ đưa phong cách trình diễn và văn hóa Tây Nguyên vào ca khúc
Vũ điệu hoang dã vốn được xem là ca khúc xuất sắc của đội hợp ca TP HCM. Khán giả vừa thấy được điệu múa Chăm vừa nghe được tiếng cồng chiêng, khiến tiết mục trở nên mới lạ.Ca khúc tự chọn của hợp ca Huế là Lý ngựa ô. Dàn hợp ca đã dùng trang phục và những nhạc cụ quen thuộc của nhã nhạc cung đình Huế tạo nên những giai điệu đặc trưng, khiến người xem có cảm giác như đang thưởng thức một đêm nhạc trên sông Hương. Mỹ Lệ hài hước dựng lại cảnh đính ước của trai thanh, gái tú xứ Huế bằng vật cầu hôn là trái chuối khiến khán giả cười ồ trên sân khấu. Phía dưới sân khấu, hai cô công chúa đáng yêu của nữ ca sĩ vỗ tay liền hồi để cổ vũ mẹ.
Đêm công bố kết quả vòng chung kết diễn ra lúc 20h, ngày 4/5, trên VTV3.
Hoàng Dung