Camera trong một xe hơi ghi lại cảnh tượng thiên thạch lao xuống miền trung nước Nga hôm 15/2. Ảnh: RT. |
Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) triển khai một hệ thống cảm biến trên khắp địa cầu để phát hiện sóng hạ âm từ các vụ thử vũ khí hạt nhân. Từ hôm 15/2 tới nay, khoảng 11 cảm biến trên đảo băng Greenland, châu Phi, bán đảo Kamchatka của Nga và nhiều khu vực khác đã thu nhận sóng hạ âm từ vụ nổ thiên thạch ở miền trung nước Nga, Livescience đưa tin.
Sóng hạ âm (có tần số từ khoảng 20 tới 0,0 Hertz, thấp hơn ngưỡng mà con người có thể nghe) lan rất xa trong không khí. Voi, chim bồ câu và cá voi sử dụng sóng hạ âm để liên lạc và định hướng.
Nếu một vụ thử vũ khí hạt nhân diễn ra, sóng hạ âm từ vụ nổ sẽ lan tới các cảm biến của CTBTO. Dựa vào sóng hạ âm, các chuyên gia của CTBTO sẽ xác định được vị trí và quy mô của vụ nổ. Những tiếng nổ do con người gây nên (như đánh bom) tạo ra kiểu sóng hạ âm khác biệt so với những tiếng nổ nhân tạo (như vụ nổ thiên thạch).
Cảnh tượng thiên thạch lao xuống Nga hôm 15/2 |
Với dữ liệu về sóng hạ âm mà các cảm biến thu nhận, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) kết luận rằng thiên thạch tại Nga có khối lượng tới 10.000 tấn và năng lượng mà nó giải phóng vào khoảng 300 kiloton, tương đương với sức công phá của 20-25 quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
"Đó là một vụ nổ thiên thạch cỡ trung bình", Paul Chodas, một nhà khoa học thuộc Chương trình Các vật thể gần trái đất của NASA, phát biểu.
Vụ nổ thiên thạch diễn ra thế nào
Hôm 15/12, một thiên thạch có đường kính khoảng 17 mét và trọng lượng ước tính 10.000 tấn lao xuống bầu trời vùng Urals, Nga. Nó bốc cháy trong khí quyển, gây ra tiếng nổ dữ dội và vệt sáng chói lòa vào lúc khoảng 9 giờ sáng.
Hàng nghìn người dân địa phương đã có cơ hội quan sát sự di chuyển của thiên thạch, ban đầu họ tưởng là tai nạn máy bay hay tên lửa, nhưng hóa ra đó là đá trời cháy và nổ.
Sức ép mà vụ nổ do thiên thạch gây ra khiến hàng chục nghìn ngôi nhà ở Chelyabinsk bị vỡ cửa kính, trong lúc nhiệt độ môi trường ở mức -9 độ C. Khoảng 1.200 người bị thương, chủ yếu do mảnh kính vỡ đâm vào. Một nhà máy sản xuất kẽm cũng bị ảnh hưởng.
Chính phủ Nga ngay lập tức điều hàng nghìn người đến hỗ trợ việc thu dọn đống đổ nát, cũng như tìm kiếm các mảnh vỡ của thiên thạch. Trên một hồ băng ở Chelyabinsk, xuất hiện một miệng hố lớn nơi người ta cho là mảnh vỡ của thiên thạch lao xuống.
Sau hai ngày tìm kiếm các thợ lặn tuyên bố đã phát hiện được các mảnh thiên thạch. Khu vực miệng hố được bảo đảm an ninh trong quá trình tìm kiếm. Cùng lúc đó những người tìm kiếm "đá trời" nghiệp dư đổ xô đi săn lùng vật quý. Nhiều lời rao bán thiên thạch đã xuất hiện trên mạng, và giới chức Nga phải vào cuộc điều tra xem có dấu hiệu lừa đảo hoặc giả mạo hay không.
Thiên thạch rơi không phải là chuyện hiếm, chúng vẫn va vào khí quyển và tạo nên những cơn mưa sao băng. Tuy nhiên cảnh tượng thiên thạch hôm 15/2 ở Nga cùng mức độ thiệt hại mà nó gây ra là chưa từng có trong hàng trăm năm qua, theo các nhà khoa học. Giới quan chức và khoa học Nga đang đặt vấn đề xây dựng hệ thống phòng thủ thiên thạch và các vật thể vũ trụ.
Minh Long