Một phần của hồ Phàn Dương tại Trung Quốc. Ảnh: synotrip.com. |
Phàn Dương (hay Bà Dương, Phiền Dương, Phồn Dương) là một hồ nước ngọt ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, People Daily cho biết. Nó có chiều dài 173 km, chiều rộng tối đa 74 km và chu vi bờ lên tới 1.200 km. Vào mùa mưa diện tích mặt hồ lên tới 4.000 km2, còn vào mùa khô chỉ còn dưới 1.000 km2.
Vùng biển ở phía tây Đại Tây Dương được gọi là "Tam giác quỷ" vì nhiều tàu và máy bay biến mất ở đây mà không để lại dấu tích. Từ lâu Phàn Dương được mệnh danh là “Tam giác quỷ phương Đông”. Hồi tháng 10 nhiều báo lớn của Trung Quốc đưa tin về sự nguy hiểm của nó. The Epoch Times đưa tin, trong suốt 60 năm qua, người ta thống kê được hơn 200 tàu và thuyền chìm trong hồ khiến khoảng 1.600 người mất tích. Chỉ có 30 người sống sót, song tất cả họ đều mắc bệnh tâm thần.
Vùng nước nguy hiểm nằm ở phía bắc hồ Phàn Dương và thuộc huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây. Một ngôi đền có tên Laoye nằm ở bờ phía bắc của hồ. Vì thế người dân địa phương lấy tên đền để gọi vùng nước gần đó.
Trong số những tàu mất tích trong "Tam giác quỷ phương Đông" có một chiếc nặng tới 2.000 tấn. Một tài liệu ghi lại rằng 13 tàu cùng gặp nạn tại đây vào ngày 3/8/1985. Đây là sự kiện hiếm khi xảy ra trong lịch sử các vụ đắm tàu trên thế giới. Các thợ lặn chưa bao giờ thấy những chiếc thuyền dù tìm kiếm rất nhiều lần.
Bão thường xuyên xuất hiện bất ngờ
Nhiều báo đưa tin ngư dân thường thắp hương, cầu nguyện và tổ chức nghi lễ tế thần trước khi ra đánh bắt cá ở vùng nước Đền Laoye.
Zhang Xiaojin, một ngư dân đã đánh bắt cá ở vùng nước suốt 20 năm nói rằng các cơn bão có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vì thế mà Zhang cũng như nhiều ngư dân khác luôn quan sát kỹ từng thay đổi nhỏ trên hồ để có thể phát hiện bão kịp thời.
“Tôi nhớ một ngày trong mùa đông năm 2001. Hôm ấy chúng tôi đang đánh bắt trên hồ và mọi thứ có vẻ bình thường. Nhưng bỗng nhiên thời tiết thay đổi. Các cơn sóng trở nên mạnh tới mức các thuyền buộc phải vào bờ. Tôi thấy phần đuôi một thuyền chở cát đột nhiên chìm khiến cả thuyền đắm theo. Cơn bão kéo dài khoảng 20 phút và sau đó khung cảnh trở lại bình thường như thể bão chưa từng xuất hiện”, Wang Fangren, một lão ngư dân từng đánh bắt cá hơn 50 năm, kể.
Bão luôn xuất hiện sau những dấu hiệu nào đó. Tuy nhiên, Wang khẳng định những cơn bão trên hồ Phàn Dương thường ập tới trong nháy mắt.
Ngày 16/4/1945, một thuyền của Nhật Bản chìm ở vùng nước đền Laoye. Toàn bộ 20 trên thuyền thiệt mạng. Sau đó phía Nhật Bản điều một đội trục vớt tàu tới hiện trường. Chỉ có một người trong đội trở về, còn những người khác mất tích. Người sống sót tỏ ra hoảng loạn sau khi cởi bộ đồ lặn. Chẳng bao lâu sau ông cũng mất trí.
Một thời gian sau một nhóm thợ lặn Mỹ tới vùng Đền Laoye để tìm kiếm thuyền Nhật Bản, song họ chẳng thấy gì và nhiều người trong số họ mất tích.
Han Lixian, một người dân thuộc huyện Đô Xương, kể rằng người dân trong huyện xây ba đập trên bờ của hồ Phàn Dương vào năm 1977. Một trong ba đập gần vùng nước Đền Laoye vào có chiều dài 600 m, chiều rộng 5 m. Phần nhô lên mặt nước của đập cao khoảng 0,5 m. Một đêm nọ, toàn bộ đập này đột nhiên chìm nghỉm mà không gây nên một tiếng động.
Một người dân Trung Quốc chèo thuyền trên hồ Phàn Dương. Ảnh: yuntougu.com. |
Những cơn gió quái dị
Một phóng viên của tờ Nhật báo Giang Tây từng tới vùng nước gần đền Laoye cùng nhiều nhà khoa học. Khi đứng ở đền Laoye, anh thấy gió thổi theo hướng từ nam tới bắc. Nhưng khi anh nhìn xuống nước thì lại thấy những gợn sóng chạy theo hướng từ bắc tới nam. Điều đó cho thấy dường như gió thổi theo hai hướng ngược chiều nhau ở cùng một chỗ.
Ngoài ra, khi gió thổi, những gợn sóng trên hồ không di chuyển theo đường thẳng, mà theo hình chữ V lộn ngược. Những cơn gió và gợn sóng bất thường khiến ngư dân lúng túng khi đoán hướng gió.
Thuyền lật dù không có gió và sóng
Mặc dù vậy, người dân tin những cơn gió lạ không phải nguyên nhân khiến vùng nước Đền Laoye trở nên nguy hiểm. Ông Jin, người trông coi đền Laoye, nói rằng vào ngày 3/5 năm nay, thời tiết rất đẹp với trời nắng và gió lặng. Nhưng một chiếc tàu 1.000 tấn đột nhiên lật úp khi di chuyển trên vùng nước đó. Không ai biết nguyên nhân khiến tàu lật.
Một chuyên gia tại địa phương giải thích với giới truyền thông về nguyên nhân khiến vùng nước Đền Laoye trở nên nguy hiểm như sau: “Một bức ảnh hồng ngoại cho thấy một bờ cát khổng lồ bên dưới vùng nước Đền Laoye. Nó có chiều dài khoảng 200 m theo hướng đông-tây. Bờ cát chặn dòng chảy và tạo ra một xoáy nước dưới bề mặt hồ. Rất có thể xoáy nước ấy nhấn chìm các thuyền”.
Nhưng giả thuyết nói trên không giúp các nhà khoa học giải thích tại sao xác của những chiếc tàu, thuyền chìm không bao giờ được tìm thấy.
Minh Long