Sao Kim hiện ra như một chấm đen tròn nhỏ lướt từ từ qua đĩa sáng của mặt trời do khoảng cách giữa trái đất và sao Kim khá xa. Ảnh: AP. |
Hiện tượng trên có tên là Venus transit, xảy ra khi sao Kim - hành tinh song sinh và có quỹ đạo nằm trong quỹ đạo của trái đất - đi vào giữa trái đất và mặt trời cũng giống như nhật thực. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa trái đất và sao Kim khá xa nên khi hiện tượng xảy ra người xem thấy hành tinh này hiện ra như một chấm đen tròn nhỏ lướt từ từ qua đĩa sáng của mặt trời.
"Hiện tượng diễn ra trong 6 tiếng 40 phút. Đây hầu như là cơ hội cuối cùng cho mỗi người để ngắm nhìn sao Kim qua đĩa mặt trời, vì phải đến năm 2117 hiện tượng mới xuất hiện lần nữa", ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn và Vũ trụ Việt Nam nói.
Nhiều nước trên thế giới quan sát được hiện tượng này. Các khu vực như Đông Á, châu Đại dương, Thái Bình Dương, một phần Bắc Mỹ quan sát được toàn phần quá trình kể từ khi sao Kim bắt đầu đi vào và đi ra khỏi đĩa mặt trời.
Châu Âu, Đông Bắc châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á bắt đầu quan sát được hiện tượng từ lúc sáng sớm ngày mai khi sao Kim đã đi vào đĩa mặt trời. Trong khi đó vùng Bắc Mỹ và một phần Nam Mỹ quan sát được hiện tượng lúc mặt trời lặn.
Sơ đồ minh họa những nơi có thể nhìn thấy được sao Kim đi ngang mặt trời vào ngày 5-6/6/2012 tại các nơi trên thế giới. Đồ họa: HAAC. |
Tại Việt Nam, theo anh Trần Thái Sơn, câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC), chúng ta không quan sát được quá trình đi vào đĩa mặt trời của sao Kim, nhưng sẽ xem được các diễn biến tiếp theo cho đến tận khi sao Kim ra khỏi mặt trời.
"Ở Việt Nam, ngay từ khi mặt trời vừa ló, sao Kim đã nằm trong đĩa mặt trời, và tiếp tục diễn tiến qua đĩa mặt trời cho đến khi kết thúc vào khoảng 11h50 trưa mai", Thái Sơn cho hay.
Cứ hơn một thế kỷ, hiện tượng này mới xảy ra hai lần cách nhau 8 năm. Trong thời đại của chúng ta, hai lần cách nhau 8 năm xảy ra vào ngày 8/6/2004 và ngày 6/6/2012 tới đây. Để chờ đón hai lần tiếp theo, chúng ta sẽ phải đợi đến ngày 11/12/2117 và ngày 8/12/2125.
Những lần gần đây nhất sao Kim di chuyển ngang qua mặt trời là vào các năm 1639, 1761, 1769, 1874, 1882 và 2004. Do đó, lần Venus transit này là sự kiện không thể bỏ qua cho bất cứ ai yêu thích bầu trời.
Cách quan sát sao Kim đi qua mặt trời an toàn KHÔNG nhìn trực tiếp vào mặt trời bằng mắt thường, ống nhòm hay kính thiên văn. Mắt có thể bị tổn thương nặng, thậm chí là mù ngay lập tức. Không dùng phim X- quang, kính râm, giấy nhôm gói quà, các thiết bị tự chế để làm giảm ánh sáng của mặt trời khi quan sát, vì những dụng cụ đó không đảm bảo lọc được các tia tử ngoại, hồng ngoại, gây tổn thương cho mắt. Để quan sát mặt trời an toàn, người quan sát có thể mua những tấm kính lọc mặt trời để bao phủ thiết bị quan sát hoặc mua một chiếc kính lọc để đeo vào mắt. Cách an toàn và đơn giản nhất là quan sát gián tiếp mặt trời - sử dụng kính thiên văn hay một mắt của ống nhòm để chiếu ảnh của đĩa mặt trời lên một tấm bìa trắng. Hình ảnh xuất hiện trên tầm bìa sẽ an toàn cho việc quan sát cũng như chụp ảnh, nhưng phải chắc chắn là đã che đi ống finder của kính thiên văn hay mắt không sử dụng của ống nhòm và nghiêm cấm tất cả mọi người nhìn qua đó. |
Hương Thu