Nhiều tổ chức cho rằng, Việt Nam là thị trường chính tiêu thụ sừng tê giác ở Nam phi. Cơ quan CITES Việt Nam phủ nhận thông tin này. Trên hình là một con tê giác đen trên đồng cỏ tại Nam Phi. Ảnh: Blogspot |
Trước đó, tại hội nghị các nước thành viên của (CITES) lần thứ 16 (Cop16) diễn ra ở Bangkok, Thái Lan từ ngày 3 đến 14/3, một số tổ chức phi chính phủ đưa ra nhiều bằng chứng về buôn bán và sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là việc Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) chỉ trích Việt Nam là nơi tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất, trong khi lại không có hành động gì giải quyết vấn đề này. EIA còn đề nghị CITES và Mỹ có biện pháp trừng phạt Việt Nam, trong đó bao gồm cấm xuất nhập khẩu loài tê giác.
Tuy nhiên, tại cuộc họp thông báo với báo giới hôm qua, ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cop16 khẳng định, thông tin của tổ chức trên đưa ra là không đúng.
"Tại phiên họp chính thức về tê giác, các nước thành viên và ban thư ký CITES đều ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và không đưa ra đề xuất chính thức hay cảnh báo nào về trừng phạt thương mại với Việt Nam", ông Tùng nói.
"Mỹ cũng không nêu về kiến nghị của EIA đối với Mỹ về việc cấm vận Việt Nam", ông Tùng nói thêm.
Cũng tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đưa thông tin chính thức về nỗ lực thực thi của Việt Nam trong việc bảo vệ tê giác, kiên quyết phản đối nhận định không chính xác của EIA và một số tổ chức phi chính phủ khác. Đồng thời, Việt Nam đưa ra những khó khăn trong quá trình thực hiện và cam kết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hành động đấu tranh chống buôn bán trái phép sừng tê giác và các loài hoang dã.
"Việt Nam là quốc gia bắt nhiều vụ vận chuyển trái phép tê giác nhất. Tính từ năm 2004 đến nay có 13 vụ bị bắt giữ với tổng số 150 kg sừng tê giác, riêng đầu năm 2013 bắt giữ 2 vụ", ông Tùng cho hay
Với nỗ lực đó, Ban thư ký CITES quốc tế và Hội nghị đánh giá cao các phát biểu của Việt Nam và cam kết sẽ tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ cho việc thực thi tại nước ta.
Trước thông tin người Việt Nam thường cắt mẩu nhỏ tê giác chữa ung thư, ông Tùng cho rằng, điều này khó xảy ra. Đại diện CITES Việt Nam phân tích, trong số khoảng 200 ngàn người bị ung thư ở Việt Nam, ai cũng dùng một mẩu như thế thì số tê giác của Nam Phi bị bắn năm ngoái là 6.500 con, cứ tính mỗi con từ 5 đến 7 cân sừng, như vậy có khoảng 3 đến 4 tấn sừng. Nếu người Việt Nam sử dụng cắt nhỏ để mài ra thì chúng ta thừa số tê giác cho người ung thư tại Việt Nam.
Mặt khác, ông Tùng cho biết, số tiền chi phí cho một lạng tê giác theo thông tin của một số tổ chức là 50.000 USD, Việt Nam rất khó có khả năng để chi trả với số lượng tê giác lớn như thế.
Ông Tùng cho biết thêm, trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thông qua về 79 chương trình nghị sự với 89 đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các Quyết định, Nghị quyết về thực thi CITES, báo cáo của các ủy ban và báo cáo chuyên đề; xem xét và biểu quyết 71 đề xuất về điều chỉnh, bổ sung các Phụ lục của CITES. Ngoài ra, bên lề hội nghị còn có trên 60 cuộc họp và hội thảo chuyên đề về quản lý, bảo tồn, buôn bán, kiểm soát một số loài nguy cấp.
Tại Hội nghị này, lần đầu tiên Việt Nam đã đưa ra đề xuất chuyển hai loài Rùa là Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons) và Rùa trung bộ (Mauremys annamensis) từ phụ lục II lên phụ lục I của CITES, đồng thời phối hợp với Thái Lan đề xuất đưa loại gỗ trắc (Dalbergia cochinchinensis) và với Mỹ đề xuất đưa họ Rùa đầu to (Platysternidae) vào phụ lục II.
Hương Thu