Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu giống hoa tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã gửi 3 giống hoa là: hoa bóng nước (tên khoa học là Impatiens balsamia L,Balsaminaceae); hoa mõm sói (Antirrhinum majus L,Scrophulariaceae); và hoa xô đỏ (Salvia splendens Ker.-Gawl, Laminaceae).
Hạt giống sau khi lựa chọn kỹ càng được gửi sang Nhật Bản để xử lý trước khi đưa lên vũ trụ.
Mẫu các hạt giống sẽ được đưa vào vũ trụ. Ảnh: H.Đ. |
Hoạt động này nằm trong chương trình Hạt giống tương lai châu Á KIBO 2010-2011 (Space seed for Asian Future 2010-2011), do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp với Viện Sinh học Tây Nguyên và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thực hiện.
Chương trình nhằm đưa các hạt giống lên không gian trong thời gian 2 tháng. Khi hạt giống được đưa vào không gian, chịu tác động của môi trường như tia bức xạ, nhiệt độ, trạng thái không trọng lượng và các điều kiện khác. Sau đó những hạt giống này được đưa về trái đất để nghiên cứu về đột biến gene, độ nảy mầm.
Bên cạnh đó, chương trình còn nhằm mục đích quảng bá tới học sinh, sinh viên về những ứng dụng không gian của Module KIBO (thuộc Trạm Không gian Quốc tế), giúp cho sinh viên có những cái nhìn mới về không gian vũ trụ.
Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt cũng cho biết ba loại này gửi đi là giống hoa hoàn toàn của Việt Nam, khả năng ra hoa sớm hơn các loại khác. Đây là những giống hoa ngắn ngày, khi tương tác với môi trường dễ có sự biến đổi và dễ nhận biết.
"Dự kiến tháng 4 tới, chúng sẽ được đưa về Trái Đất để nghiên cứu về đột biến gen cũng như những thay đổi so với trạng thái sinh lý bình thường", ông Nhựt nói.
Trước đây, người ta đã đưa bèo hoa dâu lên vũ trụ (nghiên cứu nhằm cung cấp oxy cho các nhà du hành). Nhật Bản cũng đã thành công với việc đưa lúa mì lên vũ trụ để tạo ra loại bia Vũ trụ nổi tiếng.
Hương Thu