Tấm ảnh về tuyết đường biển đi thẳng dài nhất thế giới, thể hiện bằng đường màu đỏ trên bản đồ, được Patrick Anderson, luật sư môi trường ở bang Georgia, Mỹ, đăng trên mạng xã hội Reddit 5 năm về trước, theo Amusing Planet. Patrick không tự khám phá ra con đường này mà anh tìm thấy trên Wikipedia thông tin về một dãy tọa độ và sắp xếp chúng vào bản đồ.
Người phát hiện ra con đường hàng hải trên vẫn là một bí ẩn, bởi việc đưa ra phát hiện như thế này cực khó chứng minh bằng toán học do có vô số con đường tương tự. Do Trái Đất có hình cầu, bất cứ đường thẳng nào trên thực địa cũng sẽ trở thành đường cong trên mặt phẳng của bản đồ nếu đủ dài.
Rohan Chabukswar, nhà vật lý học ở Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Liên hợp tại Ireland cộng tác với Kushal Mukherjee, kỹ sư tại phòng nghiên cứu IBM Ấn Độ, phát triển thuật toán nhằm tìm cách chứng minh kỷ lục của tuyến đường. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu về bề mặt Trái Đất của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, hiển thị toàn bộ bề mặt hành tinh với độ phân giải không gian có thể nhìn rõ đến 1,8 km. Chabukswar và Mukherjee chứng minh tuyến đường Anderson chia sẻ chính xác là tuyến hàng hải dài nhất thế giới.
Tuyến đường bắt đầu từ bờ biển phía nam của tỉnh Balochistan, gần cảng Karachi, Pakistan, sau đó đi dọc biển Arab, tiến về phía tây nam qua Ấn Độ Dương, ngang qua Madagascar và lục địa châu Phi, băng qua nam Đại Tây Dương vòng qua Nam Cực. Sau khi tới Cape Horn, con đường sẽ đi qua Thái Bình Dương về hướng tây bắc, đi qua phía nam biển Bering và kết thúc ở bờ biển phía đông bắc Kamchatka, Nga. Tổng chiều dài của tuyến đường là 32.090 km.
Các nhà nghiên cứu cũng tính toán tuyến đường bộ dài nhất không đi qua một đại dương hay sông hồ lớn nào. Tuy nhiên, kết quả này còn gây tranh cãi. Theo hai nhà nghiên cứu, con đường đó sẽ trải dài từ Tuyền Châu ở miền đông Trung Quốc đi qua Mông Cổ, Nga và châu Âu, kết thúc gần Sagres, Bồ Đào Nha. Tuyến đường dài 11.241 km, đi qua tổng cộng 15 quốc gia.
Ý kiến khác cho rằng tuyến đường bộ dài nhất lên tới 13.573 km. Cũng sử dụng thông tin từ Wikipedia, tuyến đường sẽ bắt đầu từ bờ biển Tây Phi gần Greenville, Liberia, đi qua kênh đào Suez, và kết thúc ở đầu một bán đảo cách Ôn Châu, Trung Quốc, khoảng 100 km về phía đông bắc. Tuyến đường này đi qua 18 quốc gia và dài hơn con đường mà Chabukswar và Mukherjee công bố 2.300 km.
Keith Clarke, nhà địa lý học tại Đại học California, Santa Barbara, nhận xét dù nghiên cứu rất thú vị, kết quả có thể không chính xác. Trái Đất không phải là một hình cầu hoàn hảo mà phồng lên ở đường xích đạo. Clarke băn khoăn liệu một chỗ phình nhỏ có thể làm cho con đường biển bị cắt ngang, đặc biệt là ở đoạn hẹp giữa Nam Cực và Nam Mỹ hay không.
Đối với đường bộ, độ chính xác trong tính toán bị giới hạn bởi độ phân giải của bộ dữ liệu sử dụng, ở mức 1,8 km. Do đó bất cứ thứ gì nhỏ hơn như hồ nước, sẽ không được biết đến. Nếu có người thử lái xe trên tuyến đường này, họ rất có thể gặp các sông suối hoặc hồ nước. Ngoài ra, nghiên cứu cũng không tính đến bất kỳ dãy núi, sa mạc, rừng rậm hayvật cản tự nhiên nào khác, khiến việc lái xe qua rõ ràng là bất khả thi.
"Vấn đề này được tiếp cận như một bài tập toán học thuần túy. Nhóm tác giả khuyên bạn không nên đi tàu hoặc lái xe theo những con đường này", các nhà khoa học nhấn mạnh.