Các chuyên gia tại Viện Khoa học Trung Quốc sử dụng tế bào gốc và kỹ thuật chỉnh sửa gene để tạo ra chuột con từ đôi chuột cái mà không cần sự tham gia của con đực, Fox News hôm nay đưa tin. Những con non mới sinh vẫn khỏe mạnh, thậm chí tiếp tục trưởng thành và sinh sản.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu đưa tế bào gốc từ một con cái vào trứng của con còn lại. Họ dùng loại tế bào gốc đặc biệt có tên tế bào gốc phôi đơn bội, chúng chứa 23 thay vì 46 nhiễm sắc thể mang ADN như bình thường.
Họ cũng xóa một số gene ghi dấu khỏi các tế bào vì những gene này thường phụ thuộc vào việc ghép cặp với gene tương ứng từ con đực để hoạt động tốt. Bằng cách kết hợp hai quá trình này, các nhà khoa học đã tạo ra con non khỏe mạnh từ hai con cái.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc cũng tạo ra con non từ cặp chuột đực với quy trình tương tự, nhưng tất cả đều chết trong vòng 48 giờ sau khi chào đời. Họ chưa rõ nguyên nhân chính xác và dự định tiếp tục phát triển phương pháp mới rồi thử lại trong tương lai.
"Nhóm nghiên cứu quan tâm đến vấn đề tại sao động vật có vú chỉ sinh sản hữu tính. Chúng tôi từng phát hiện vài điều bằng cách kết hợp sinh sản và tái tạo. Vì thế, chúng tôi cố gắng tìm hiểu xem liệu có thể tạo ra thêm con non bình thường từ cặp chuột cái, thậm chí cặp chuột đực, nhờ tế bào gốc phôi đơn bội và kỹ thuật xóa gene không", tiến sĩ Qi Zhou, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Một số nhà khoa học nhất trí rằng công trình của nhóm nghiên cứu Trung Quốc sẽ mở cánh cửa mới cho khoa học về sinh sản và gene. "Nghiên cứu giúp làm sáng tỏ nhiều khía cạnh trong sự sinh sản và phát triển của động vật có vú, mở ra những con đường mới cho các nghiên cứu trong tương lai", tiến sĩ Dusko Ilic tại Đại học King London nhận xét.
Tuy nhiên, một số tổ chức bảo vệ động vật lại đưa ra ý kiến khác. "Chúng tôi lo ngại về những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe động vật tham gia nghiên cứu này và có thể nhiều nghiên cứu liên quan về sau. Mọi chuyện còn đáng lo hơn khi các chuyên gia trong ngành nói điều này không mang lại lợi ích trực tiếp về mặt y học cho con người", đại diện Hội bảo vệ động vật hoàng gia (RSPCA) chia sẻ.
Tiến sĩ Julia Baines tại tổ chức bảo vệ động vật PETA ở Anh cho rằng việc tiến hành chỉnh sửa gene gây đau đớn cho động vật. "Con mẹ phải chịu các cuộc phẫu thuật lấy trứng và cấy phôi đã chỉnh sửa, nhiều trường hợp mang thai thất bại, con non sinh ra thường phải sống với khiếm khuyết ngoài mong muốn như thiếu mắt hoặc tai, loét da, bộ phận cơ thể biến dạng, điếc, động kinh, suy tim và nhiều vấn đề khác", Baines nói.
Nghiên cứu khiến nhiều người kỳ vọng, với các loài vật khác, cặp đôi đồng giới cũng có thể sinh con. Tuy nhiên, tiến sĩ Ilic cảnh báo, cần thời gian rất dài trước khi biện pháp tương tự có thể áp dụng với người.
"Việc cân nhắc nghiên cứu kỹ thuật tương tự trên người trong tương lai gần là bất khả thi. Nguy cơ xảy ra những bất thường nghiêm trọng rất cao, và sẽ mất nhiều năm nghiên cứu trên nhiều loài động vật để hiểu rõ cách tiến hành an toàn", ông nói.