PGS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM đã chia sẻ nhiều điểm đáng lưu tâm trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam với VnExpress.
Theo PGS Phúc, Việt Nam đã có lịch sử nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trên 20 năm, nhưng chỉ 5 năm trở lại đây phát triển thực sự.
"Sau hơn 20 năm, công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam đạt rất ít thành tựu, Những công nghệ "Made in Vietnam" hiếm. Tỉ lệ nội địa hoá các sản phẩm công nghệ tế bào gốc rất thấp", PGS Phúc nói và cho rằng đây là kết quả của nền tế bào gốc chỉ chú trọng vào ứng dụng, ít chú trọng vào nghiên cứu.
Để đưa ra được nhận định này, PGS Phạm Văn Phúc đã dành 3 năm thực hiện nhiệm vụ "Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp ở Việt Nam".
Nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được thực hiện với hỗ trợ của Văn phòng các chương trình trọng điểm quốc gia và Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhóm nghiên cứu đã được cung cấp kinh phí, phương pháp luận khoa học, các công cụ để thu thập, xử lý, đánh giá và giải thích dữ liệu để có được kết quả khách quan nhất.
"Trên cơ sở điều tra toàn diện năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc toàn quốc cho thấy sự phát triển là có nhưng rất chậm và manh mún", PGS Phúc nhận định.
Minh chứng thêm, PGS Phúc cho biết hiện số lượng phòng thí nghiệm, viện, trung tâm nghiên cứu các công nghệ nền của tế bào gốc là rất hiếm. Nhiều phòng thí nghiệm, trung tâm, tiếp cận công nghệ tế bào gốc ở mức đào tạo, giảng dạy hơn là để tạo ra sản phẩm công nghệ. Các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp cận ở khía cạnh sử dụng công nghệ.
"Đội ngũ nghiên cứu, nhà khoa học tế bào gốc vừa thiếu và yếu. Trên cả nước chỉ có khoảng 300 nhà nghiên cứu tế bào gốc, trong đó chưa tới 50% có nghiên cứu tế bào gốc (đánh giá này thông qua các công bố tế bào gốc). Trên cả nước chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên ngành tế bào gốc ở bậc đại học hay sau đại học. Số lượng các trường có môn học tế bào gốc còn rất ít", PGS Phúc nói.
Không chỉ nghiên cứu còn hạn chế, hiện khả năng làm chủ công nghệ nền của tế bào gốc cũng trong tình trạng tương tự. Tỉ lệ các phòng thí nghiệm, trung tâm, viện có thể làm chủ 4 công nghệ nền của công nghệ tế bào gốc gồm (phân lập, nuôi cấy tăng sinh, biệt hoá/biến đổi và bảo quản thấp) có sự chênh lệch đáng kể về năng lực.
Nhiều quảng cáo sai lệch với thực tế
Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng nêu rõ, hiện thông tin tế bào gốc được quảng cáo, được hiểu có nhiều sai lệch so với thực tế. Phần lớn thông tin tế bào gốc trong xã hội là từ các hoạt động kinh doanh, thương mại các sản phẩm làm đẹp.
PGS Phúc khẳng định, thuật ngữ "tế bào gốc" đang bị lợi dụng và lạm dụng. "Tác dụng, vai trò, hiệu quả sử dụng tế bào gốc được phổi phồng, bóp méo đáng kể. Điều này đã gây hiểu lầm, hiểu sai về tế bào gốc ở nhiều người, gây nên những phản cảm nhất định", PGS Phúc nói.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được nghiên cứu nêu rõ, đó là do thiếu các hướng dẫn, quy định của các tổ chức nghề nghiệp hay của các cơ quan có thẩm quyền về sản xuất, ứng dụng tế bào gốc. Điều này dẫn đến việc ứng dụng tế bào gốc khó thực hiện và khó kiểm soát.
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp định hướng đến năm 2030 Việt Nam cần xây dựng trung tâm sản xuất thử nghiệm tế bào gốc.
Thực tế các phòng thí nghiệm, viện, trung tâm tế bào gốc hiện có mức độ sẵn sàng công nghệ rất thấp. Thường đạt ở mức 1, 2 hay 3, trong khi các doanh nghiệp cần ở mức 7, 8 hay 9. Đây là một trở ngại lớn cho việc chuyển giao kết quả cho các doanh nghiệp phát triển các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm.
"Sự ra đời của các trung tâm sản phẩm thử nghiệm quy mô pilot sẽ giúp nâng mức sẵn sàng công nghệ từ mức 1, 2 hay 3 lên 4, 5 hay 6 mà sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp", nhóm nghiên cứu đề xuất.
Theo PGS Phúc, làm chủ công nghệ nền và phát triển các công nghệ tiên tiến trong đó có công nghệ thuốc tế bào gốc sẽ cho phép giảm giá thành điều trị thông qua sản xuất quy mô lớn.
Thuốc tế bào gốc là một trong những hướng công nghệ có thể mang lại hiệu quả điều trị cao và ổn định so với các liệu pháp điều trị hiện tại.
Nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia với mục tiêu tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới.
Các nghiên cứu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các Chương trình khoa học và công nghệ có thể liên hệ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia:
Địa chỉ: Số 113 Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 3.5551.726
Email: vpctqg@most.gov.vn
Website: http://www.vpctqg.gov.vn