Nhà khoa học có bài công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information, Mỹ) hay Scopus (Nhà xuất bản Elsevier - Hà Lan) là niềm tự hào bởi danh tiếng và uy tín của các tạp chí này.
Mong mỏi Việt Nam có một tạp chí ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy giao lưu học thuật, thuận lợi cho công bố nghiên cứu, nhưng Giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV Hà Nội cũng chỉ ra hàng loạt thứ "không ổn" khiến ước mong khó thành.
Không ổn đầu tiên theo ông Minh, một tạp chí được thế giới công nhận cần tối thiểu 30% là học giả quốc tế trong hội đồng biên tập, còn các tạp chí Việt hầu hết chỉ có người Việt làm việc. "Có chăng cũng chỉ mời một vài người nước ngoài để "đánh bóng tên tuổi", ông Minh nói.
Ngoài tiêu chuẩn hội đồng, tạp chí phải có học giả uy tín gửi đăng bài; ra đúng kỳ hạn; có sự phản biện đúng quy trình, thông lệ quốc tế. Các tạp chí danh tiếng quốc tế làm chặt là bởi càng uy tín, họ càng có nhiều người trích dẫn. Đây là động lực để họ tìm kiếm những bài báo chất lượng cao. Để lựa chọn chính xác, họ luôn có hệ thống đánh giá cụ thể, minh bạch.
Nói như Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu đăng bài chất lượng kém không ai đọc, ông tổng biên tập tạp chí sẽ bị cộng đồng khoa học chê và coi thường. Ngược lại, cách làm của tạp chí khoa học trong nước gần như không theo hệ thống đánh giá và không có tiêu chí rõ ràng. Họ không có động lực để chọn những bài xuất sắc nhất, thậm chí còn nể nang quen biết để đăng bài dù chất lượng chưa cao. "Khi vàng thau lẫn lộn thì mọi người sẽ dần không tin", tiến sĩ Cường chia sẻ.
Câu hỏi đặt ra, nếu Việt Nam có một tạp chí ngành KHXH&NV thuộc danh mục quốc tế thì liệu số lượng công bố nghiên cứu khoa học có tăng hơn? Câu trả lời của tiến sĩ Cường là không, bởi xét cho cùng nếu đúng chuẩn quốc tế thì chất lượng nghiên cứu vẫn là yếu tố quyết định.
Vì thế, tiến sĩ Cường cho rằng, trước mắt tính chuyện xây dựng một tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế là chưa cần thiết. Nếu như cách đây 20 năm khi có bài nghiên cứu, nhà khoa học phải gửi bằng đường bưu điện, lo thất lạc thì mới nghĩ đến việc bằng mọi cách để xây dựng một tạp chí trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế. Còn hiện nay, việc gửi đăng quá thuận lợi chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhà khoa học cũng không thiếu nơi để xuất bản mà chỉ cần tập trung có những nghiên cứu chất lượng.
Đó là chưa kể việc đầu tư một tạp chí chuẩn quốc tế sẽ mất nhiều thời gian và tiền. "Quan trọng đây không phải là động cơ thúc đẩy công bố nếu Việt Nam có một tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế trừ khi tạp chí đó quá dễ dãi. Mà dễ dãi thì lại không thể đạt tiêu chuẩn quốc tế", tiến sĩ Cường bày tỏ quan điểm với VnExpress.
Ngay cả giới học thuật Singapore cũng khuyên Việt Nam không nên đi theo con đường đưa tạp chí vào khu vực danh tiếng. Họ cho rằng Việt Nam cần hỗ trợ nhà khoa học nâng cao kỹ năng viết bài báo quốc tế.
Từ đây, giáo sư Minh kiến nghị Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (Nafosted) mở các lớp tập huấn kỹ năng viết đề xuất nghiên cứu và công bố quốc tế. Ngoài ra, Quỹ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cán bộ đi hội thảo quốc tế để tăng cường cọ xát trên các diễn đàn quốc tế.
Thực tế việc hỗ trợ này đã được thực hiện. Ông Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ Nafosted khẳng định các nhà khoa học trẻ có bài tham dự hội thảo quốc tế sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí tham dự hội thảo. Như vậy, vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực của nhà khoa học.
Bích Ngọc