Bức ảnh do anh Nguyễn Văn Trọng, cộng tác viên Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) chụp từ tháng 1/2018 khi quan trắc quần thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) trên hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Hôm đó trời hửng nắng sau một tuần âm u, mưa phùn. Rùa lên phơi nắng cạnh vạt cỏ gần bãi cát nơi ATP xây dựng nhằm bảo tồn loài.
Theo anh Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam, mỗi lần rùa nổi lên rất nhanh, chỉ 2 đến 5 giây, nên để có bức ảnh đẹp, hoa văn rõ ràng rất khó. Bức ảnh cuối cùng về rùa Đồng Mô được ATP chụp ngày 13/10/2017 khi hồ bị lụt do ảnh hưởng của bão.
"Theo dõi quá trình rùa nổi cho thấy nó khỏe mạnh. Bức ảnh cho phép các nhà khoa học so sánh hoa văn trên đầu, quanh mắt với con rùa từng bò ra khỏi hồ vào trận lụt lịch sử năm 2008 và các hình ảnh khác từng ghi nhận về loài này tại đây, kết luận chúng là những bức ảnh khác nhau của một cá thể", anh Hà nói.
Theo ATP, rùa Đồng Mô cùng loài với rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, chỉ còn ba con trên thế giới, một ở Việt Nam, còn lại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng rùa Hồ Gươm là loài hoàn toàn mới, có tên là Rafetus leloii.
Khi rùa Hồ Gươm chết tháng 1/2016, có ý kiến đề xuất đưa rùa Đồng Mô về Hồ Gươm nhưng vấp phải sự phản đối của giới khoa học. Họ cho rằng môi trường sống thay đổi sẽ ảnh hưởng đến rùa Đồng Mô.
Từ năm 2007, khi phát hiện có loài rùa Hoàn Kiếm sinh sống ở hồ Đồng Mô, ATP đã thiết lập một đội nhằm nghiên cứu và bảo vệ. ATP cũng tuyển thêm cộng tác viên địa phương phối hợp cán bộ thực địa nghiên cứu và bảo vệ rùa ở hồ Đồng Mô. |