Chiều 20/8, tại làng phần mềm FPT khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), hơn 100 người Việt trẻ tài năng làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước đã cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận các vấn đề nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy và đại diện doanh nghiệp lớn đang có cơ sở nghiên cứu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc như FPT, VNPT, Viettel... đã giới thiệu về năng lực và mong muốn nhận được hợp tác của các nhà khoa học trẻ tài năng. Đó là những gợi ý xây dựng chính sách hoặc từng lĩnh vực cụ thể: trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực...
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nói về bài toán mà tập đoàn đang tập trung nghiên cứu phát triển để tham gia vào "cuộc chơi" công nghệ của cuộc cách mạng 4.0. Đó là việc phát triển Chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, tài chính, ngân hàng...
Những công nghệ nghiên cứu hướng đến mục tiêu người Việt có thể được khám chữa bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn, tốn ít chi phí hơn. Họ cũng ít bị tắc đường trên cơ sở hạ tầng hiện tại. Làm sao Việt Nam có thể đột phá, tạo ra sự vượt trội? Các bài toán này ông Bình mong muốn người Việt trẻ tài năng cùng chung tay giải quyết.
Ông Bình nói, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam nên không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Tài năng trẻ của Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu. Doanh nghiệp công nghệ như FPT có nhiều dự án, bài toán ứng dụng xu hướng công nghệ mới nhất vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức. Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh vô giá để Việt Nam khai thác cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Các doanh nghiệp VNPT, Viettel cũng đưa ra những đặt hàng cụ thể trong phát triển công nghệ viễn thông, công nghệ quốc phòng...
Nhà khoa học xung phong
Sau khi nghe đặt hàng của doanh nghiệp, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng hợp tác. Ông Nguyễn Thành Vinh, đang làm việc tại Đại học Tokyo Nhật Bản, ngạc nhiên khi thấy Chính phủ Việt Nam vào cuộc rất mạnh mẽ về cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như việc ứng dụng công nghệ trong vận tải. Cách người Việt dùng dịch vụ Grab, trả tiền qua thẻ, tìm kiếm xe trên ứng dụng điện thoại thông minh được ông Vinh cho là tiến bộ hơn người Nhật Bản.
Nhưng ông Vinh cũng chỉ ra cái mà Việt Nam đang thiếu trong hoạt động nghiên cứu là khả năng làm việc nhóm. Ông Vinh đang hợp tác cùng Viettel triển khai nhiều dự án cụ thể trong lĩnh vực viễn thông.
Ông Nguyễn Kỳ Tài, nhà khoa học đang làm lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp ở Australia, cho biết đang nhận được nhiều đặt hàng qua dự án cụ thể và đào tạo nhân lực. Có nền tảng về IoT, AI, ông cho biết qua tìm hiểu thấy tiềm năng của Việt Nam rất lớn nên khuyến nghị Việt Nam nên tự làm ra sản phẩm của riêng mình thay vì đi mua của quốc gia khác. Nếu đi mua, vấn đề bản quyền sẽ rất khó khăn.
Về Việt Nam tìm hiểu nhu cầu, ông Tài cho biết đã gặp đúng người nên muốn trao đổi chi tiết để làm sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp, gắn với từng địa phương. Ông cam kết sẵn sàng cùng với doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp.
Có 7 năm học ở Mỹ, làm việc tại Silicon Valley, Quang Huy chỉ ra điểm yếu mà các nhà làm kỹ thuật máy tính ở Việt Nam đang gặp phải chính là khâu đào tạo chỉ chú trọng phần mềm. Họ chỉ tập trung làm phần mềm mà không làm sản phẩm nên tư duy bị hẹp, không có cái nhìn kiến trúc như sinh viên học nước ngoài. Vì vậy, Huy sẵn sàng hợp tác đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này.
"Việt Nam đang chuyển từ làm gia công phần mềm sang những sản phẩm chất lượng cao nên rất cần nguồn lực về con người", Huy nhấn mạnh.
Nhiều nhà khoa học trở về từ Singapore, Pháp... đề xuất có nền tảng khoa học mở cho AI để nhà khoa học Việt trên thế giới có thể sử dụng chung và chia sẻ kiến thức. Đề xuất này được Thứ trưởng Bùi Thế Duy ủng hộ và đặt hàng nhà khoa học có thể trực tiếp tham gia xây dựng mô hình này sớm nhất.
Hầu hết ý kiến nhận được phản hồi từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp FPT, Viettel... Do có ít thời gian thảo luận, các đơn vị cử đầu mối tiếp tục nhận góp ý và đề xuất hợp tác.
Sự kiện chiều nay nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (Vietnam Innovation Network 2018) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì từ ngày 18 đến 24/8 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam.
Sáng cùng ngày, các nhà khoa học trẻ đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội để gợi ý phát triển thành phố thông minh.
Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo với chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19/8 đến 24/8:
Ngày 19/8: Công bố Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và Phiên đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học.
Chiều 20/8: Làm việc tại Làng phần mềm F-Ville 2, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngày 21/8: Trao đổi về các ngành, lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam (Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước).
Ngày 22/8: Làm việc tại Quảng Ninh và kết nối với giới trí thức, nghiên cứu, làm công nghệ.
Ngày 23/8: Làm việc tại TP HCM, thăm Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh.