Ngày 5/6, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) công bố Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam. Đây là kết quả từ nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam do tác giả Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia GreenID, thực hiện.
Nghiên cứu cho thấy phương án an toàn nhất và chấp nhận được để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của Việt Nam, đáp ứng mục tiêu của thỏa thuận Paris là cắt 30 GW điện than, tương đương với việc đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy điện than.
Hiện theo quy hoạch, Việt Nam có 26 nhà máy điện than (tương đương 32.510MW) sẽ xây dựng sau năm 2020. Tuy nhiên, nghiên cứu nêu rõ Việt Nam không cần xây dựng hết số nhà máy nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá hợp lý.
Bù đắp năng lượng thiếu hụt sẽ là tăng công suất năng lượng tái tạo từ khoảng 27.000 MW lên 32.000 MW; điện khí từ khoảng 19.000 MW lên 24.000 MW và giảm công suất điện than từ 55.300 MW xuống còn 25.640 MW.
Theo đề xuất này, Việt Nam sẽ giảm áp lực huy động 60 tỷ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than. Mỗi năm, Việt Nam sẽ tránh được việc đốt khoảng 70 triệu tấn than, tương ứng với 7 tỷ USD cho việc nhập khẩu than, giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2.
Nhóm nghiên cứu cũng ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, người Việt Nam đầu tiên đạt giải môi trường Goldman, Giám đốc GreenID, các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong những năm tới sẽ có tác động và hệ lụy không chỉ hôm nay mà còn tới thế hệ sau này.
“Chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ nắm bắt cơ hội khai thác nguồn tài nguyên năng lượng sạch dồi dào của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, tạo thêm công ăn việc làm, định hướng đầu tư và đảm bảo một tương lai an toàn, khỏe mạnh cho người dân Việt Nam”, bà Khanh kiến nghị.