UBND TP Hà Nội vừa lên kế hoạch bảo tồn rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học là Rafetus swinhoei) giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ điều tra, khảo sát số lượng, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại các hồ Xuân Khanh và Đồng Mô. Các biện pháp bảo vệ và xây dựng môi trường sinh thái đa dạng sinh học tại hồ để rùa Hoàn Kiếm sinh trưởng cũng được triển khai.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, các nghiên cứu xác định môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản. Đến giai đoạn 2026-2030 Hà Nội sẽ triển khai các dự án ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm.
Mục tiêu trọng tâm của kế hoạch được xác định sẽ cải thiện môi trường sinh thái phù hợp điều kiện sống của loài rùa Hoàn Kiếm nhằm bảo tồn, ngăn chặn sự suy giảm, phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kinh phí cho việc bảo tồn này được xây dựng hàng năm, trích từ nguồn ngân sách của thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Trước đó nhiều nhà khoa học đồng tình với việc nghiên cứu về rùa ở hồ Xuân Khanh, hướng tới ghép đôi với rùa Đồng Mô nếu điều kiện cho phép, giúp loài thoát nguy cơ tuyệt chủng.
Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Tổ chức WCS Việt Nam còn thử nghiệm thu thập và chẩn đoán mẫu gene trong môi trường để tìm kiếm thêm các cá thể Rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên. Việc tìm kiếm gene rùa Hoàn Kiếm ngoài môi trường tự nhiên được thực hiện một lần vào tháng 5/2018 và đợt tiếp theo dự kiến vào tháng 12 năm 2018 và tháng 1 năm 2019.
Loài Rafetus swinhoei được biết đến với tên gọi rùa Hoàn Kiếm, là loài rùa quý hiếm nhất thế giới với chỉ 4 con được biết còn tồn tại đến nay (2 con ở Việt Nam và 2 con ở Trung Quốc).
Đến cuối năm 2016, thế giới chỉ còn ba con được ghi nhận, trong đó hai con được nuôi ở Trung Quốc, một con hoang dã duy nhất được tìm thấy ở hồ Đồng Mô năm 2007.
Rùa Rafetus swinhoei sống ở Hồ Gươm chết tháng 1/2016.