Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020.
Trong hơn hai năm triển khai các nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kịp thời xem xét, kiến nghị với Bộ Tài chính các vấn đề về cơ chế quản lý phù hợp với chương trình mang tính tổng thể trong phát triển một ngành khoa học có thế mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Các cơ quan phối hợp đã bám sát nội dung của chương trình, kịp thời thực hiện được một số hoạt động thường niên và đưa nội dung cần thiết vào kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm.
Một số nội dung của chương trình đã đạt được kết quả khả quan, đáp ứng được mục tiêu, như tổ chức thành công lễ ký kết chính thức giữa Chính phủ Việt Nam với UNESCO về việc thành lập Trung tâm quốc tế vật lý và Toán học dạng II; củng cố và phát triển tạp chí chuyên ngành Vật lý của Việt Nam đạt trình độ quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo cung cấp thông tin, trao đổi khoa học trong cộng đồng các nhà nghiên cứu vật lý trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, hoạt động của chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như kinh phí ngân sách hạn hẹp; các đề xuất nhiệm vụ chưa ở tầm cấp quốc gia, chưa mang tính liên ngành và liên vùng cao...
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ mới hỗ trợ phê duyệt được 21 nhiệm vụ cho bảy hướng nghiên cứu ứng dụng; nội dung thu hút Việt kiều, các nhà khoa học nước ngoài phối hợp với các nhà khoa học trong nước thực hiện nhiệm vụ mới dừng ở nhiệm vụ có nội dung hợp tác quốc tế.
Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020 gồm bốn mục tiêu, chín nhiệm vụ và giải pháp, có sự phân công cho sáu cơ quan thực hiện bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.