Sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Nguyễn Trần Hoàng không nghĩ có ngày đến nước Pháp học tập và làm việc trong ngành khá mới mẻ là công nghệ vệ tinh. Hoàng khiến bố mẹ và gia đình tự hào thay vì cảm giác lo lắng khi ra trường cậu con trai sẽ làm gì ở lĩnh vực "trên trời" này.
Từ bé, khi bạn bè cùng trang lứa thích tụ nhau chơi trò chơi dân gian, Hoàng lại có niềm vui đọc sách. Cứ khoảng một tháng cậu lại đòi bố đưa lên thành phố tìm sách, nhất là sách liên quan đến giải thích và thí nghiệm khoa học. Cậu thích cảm giác giải thích được điều gì đó mà người khác không biết.
Gia đình có truyền thống làm y nên bố mẹ luôn gieo vào đầu Hoàng suy nghĩ sau này sẽ học và làm bác sĩ. Vì vậy, suốt năm tháng tuổi thơ, Hoàng lớn lên với mơ ước thi đỗ đại học y rồi tìm một công ăn việc làm ổn định.
Cho đến một hôm tình cờ đọc cuốn "lịch sử khám phá không gian của loài người", Hoàng như bị thôi miên với các tầng không gian, vũ trụ. "Thời đó ôtô là thứ gì đó xa xỉ, thế mà con người đã bay lên Mặt Trăng, khiến em cực kỳ hứng thú. Càng đọc em càng cảm thấy mình nhỏ bé và con người chỉ là tích tắc trong vũ trụ. Em tò mò muốn tìm hiểu xem vũ trụ ngoài kia có gì", Hoàng nói.
Từ đó, cứ đi mua sách là Hoàng chỉ tìm cuốn về vũ trụ. Đến tối, Hoàng một mình trèo lên nóc nhà ngắm các vì sao và nhìn vào không gian. Hàng loạt câu hỏi dấy lên trong đầu cậu như: làm thế nào con người lại vào được không gian, vì sao tên lửa hoạt động được. Mỹ và Nga trong suy nghĩ của Hoàng là thiên đường vì với cậu bé sinh ra ở vùng quê nghèo dường như chưa hình dung được sao họ phát triển đến thế. Cũng từ đây, thay vì muốn học y, Hoàng bắt đầu suy nghĩ theo đuổi vũ trụ học.
Lên cấp 3, Hoàng học trường chuyên Đại học Vinh (Nghệ An). Em bắt đầu tiếp cận gần với thiên văn học nhờ Internet, các hoài nghi của Hoàng nhờ đó dần được giải đáp. Hoàng bắt đầu chế tạo thành công kính thiên văn và tên lửa bằng vật dụng cũ bỏ đi từ máy ảnh, ống nước hoặc mua kính rẻ tiền, nhưng có thể quan sát được các vì sao mà mắt thường không thể thấy.
Hoàng nhớ mãi cảm giác sướng điên lên khi nhìn thấy vành ngôi sao qua cái kính tự làm dù nó chỉ như cái chấm, rồi hình ảnh về vân của sao Mộc giống như nhìn trên Internet khiến Hoàng mãi không quên.
Giấc mơ theo đuổi thiên văn của Hoàng bị gián đoạn khi phải chọn trường vào đại học, bởi Việt Nam chưa có ngành nào chuyên sâu về lĩnh vực này. Bố mẹ một mực khuyên em thi vào y. Hoàng thi trường Quân y nhưng bị trượt.
Xung quanh em hàng xóm, lời ra tiếng vào nào là học trường chuyên nhưng trượt, trong khi bạn bè thì đỗ trường giao thông, xây dựng. Bố mẹ em buồn, còn em không dám ra đường vì có cảm giác bị khinh thường. Nhưng Hoàng không buồn mà nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để tự quyết nên làm gì là đúng nhất.
Hoàng đăng ký nguyện vọng hai vào khoa vật lý, ngành khoa học vật liệu, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội vào năm 2012. Ngoài việc học, Hoàng đăng ký tham gia diễn đàn thiên văn, câu lạc bộ ở Hà Nội và phòng nghiên cứu FSpace của FPT với mục đích học hỏi và thỏa đam mê với thiên văn học.
Tin vui cũng đến với Hoàng, khi Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Việt -Pháp) - ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam mở ngành khoa học không gian và ứng dụng. Đang giữa năm thứ nhất, Hoàng không ngần ngại bỏ học để nộp hồ sơ, chuyển sang trường mới.
Hoàng hào hứng bước vào ngôi trường mới dù vấp phải gặp sự cản trở của gia đình vì họ không mường tượng được thứ "trên trời" đó là thế nào, con trai học ra sẽ làm gì.
Năm 2015, với kiến thức sâu rộng về thiên văn, Hoàng mạnh dạn thực tập ở Puerto Rico, Mỹ. Thời gian này, Hoàng phân vân giữa việc theo học công nghệ vệ tinh hay vật lý thiên văn. "Nếu làm thiên văn học thì không đóng góp nhiều cho Việt Nam, nhưng công nghệ vệ tinh thì khác, ứng dụng của nó trong tương lai ở hầu hết lĩnh vực và chắc chắn sẽ giúp ích cho đất nước", nghĩ vậy Hoàng chọn theo công nghệ vệ tinh.
Từ cuối 2015 đến đầu 2017, Hoàng học thạc sĩ tại trường Việt - Pháp và đi làm tại Trung tâm vệ tinh quốc gia. Tháng 4/2017, Hoàng sang thực tập ở Đại học Montpellier của Pháp, sau đó trải qua vòng phỏng vấn với Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp CNES để làm nghiên cứu sinh từ tháng 12/2017.
"Bố mẹ dần suy nghĩ khác, hơn nữa còn mở mày mở mặt khi thấy em không từ bỏ đam mê, thậm chí còn nhận một số giải thưởng nhỏ khi nghiên cứu", Hoàng chia sẻ.
Đi nhiều nơi, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, Hoàng dễ dàng hòa nhập cuộc sống xa nhà. Chàng trai 25 tuổi cho biết học được phong cách làm việc không rào trước đón sau của Pháp mà thẳng thắn đi vào vấn đề, làm việc nghiêm túc, thời gian có thể ít nhưng hiệu suất cao.
Trong chặng đường theo đuổi khoa học vũ trụ, Hoàng tự cảm thấy may mắn được gặp nhiều người giỏi và tốt để em quý trọng và tiếp tục theo đuổi đam mê. Đặc biệt là giáo sư Pierre Darriulat, một người Pháp đã 80 tuổi nhưng ngày nào cũng đi làm. Vị giáo sư này suy nghĩ rộng và quan trọng hơn tất cả là ông luôn muốn giúp Việt Nam. Nếu không được tiếp xúc với những người như ông có lẽ Hoàng không thể tiếp tục con đường đã chọn.
"Là người Pháp mà bác luôn nghĩ cho Việt Nam, vậy tại sao mình là người Việt mà lại không đóng góp cho quê hương. Em sẽ quay về để làm việc dù lĩnh vực còn quá mới mẻ, nhưng cũng có nhiều bí ẩn phải tìm hiểu", Hoàng cho hay.
"Biết cái mình thích và theo đuổi được nó, đó mới là điều quan trọng. Nếu bạn giỏi thì bạn sẽ nuôi sống được bản thân", Hoàng nói.