Giáo sư Nguyễn Văn Thuận đang giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại Đại học Kiến Quốc (Konkuk), Seoul, Hàn Quốc. Ảnh do giáo sư Thuận cung cấp. |
Cảm kích, trân trọng tấm lòng với đất nước của người trí thức Nguyễn Văn Thuận, giáo sư đại học Konkuk ở Hàn Quốc, nhưng cũng có độc giả VnExpress cho rằng giáo sư Thuận không nên về Việt Nam với nhiều lý do, như để đóng góp cho nước nhà thì không nhất thiết phải về nước. Bởi, điều kiện trong nước với cơ chế hiện nay sẽ khiến tài năng trí thức giỏi mất đi, bản thân giáo sư sẽ không còn niềm tin và nhiệt huyết.
“Rồi ông sẽ thấy quyết định trở về của mình là sai lầm. Ông có thể đóng góp cho đất nước từ xa và điều đó chứng tỏ lòng yêu nước rồi. Tôi muốn ra đi nhưng không giỏi như giáo sư để ra đi”, độc giả Lili viết.
Đồng quan điểm trên, độc giả Nguyễn An Cư cho rằng, về rồi giáo sư Thuận sẽ lại ra đi. Theo ông Cư, nếu giáo sư Thuận ở lại có thể các bạn thế giới sẽ biết đến một người gốc Việt. “Thảm đỏ trải ra từ những năm 1995, nhiều bước chân bước vào, rồi lại phải quay về nơi thực sự cần họ? Hãy suy nghĩ thật kỹ".
Cũng cho rằng nếu giáo sư Thuận quay về Việt Nam để cống hiến là điều tốt nhất, nhưng độc giả Nguyễn Thanh Hoàng khuyến cáo ông Thuận nên về thăm quê hương, tham khảo ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp và tìm được nơi làm việc phù hợp thì mới nên trở về. "Nếu mọi thứ sẵn sàng thì thầy quay về, còn không thì thầy không nên về mà có thể phục vụ tổ quốc từ xa”.
"Giáo sư suy nghĩ kỹ chưa? Phải chăng đó là phút bồng bột, nhất thời. Tôi thiển nghĩ giáo sư thì "xây dựng" nhà nào mà chẳng được, vì nó vẫn là sự cống hiến nghiêm túc cho cả xã hội loài người nói chung và dân Việt Nam nói riêng”, độc giả ngo van dac cho hay.
Độc giả Hoàng Hà, từng nhiều năm là công tác nghiên cứu khuyên giáo sư Thuận nên ở lại Hàn Quốc. “Không phải cứ về nước mới đóng góp được nhiều đâu, về nước vào thời điểm này không thích hợp. Với cơ chế tài chính như hiện nay, làm sao anh có thể toàn tâm, làm việc được hay chỉ suốt ngày hợp thức hoá tài chính. Chúng tôi là nạn nhân của cơ chế này nhiều năm quá rồi, muốn làm cái gì cho nên hồn cũng không được”.
Tuy nhiên nhiều độc giả có quan điểm ngược lại. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và xúc động với quyết định trở về Việt Nam của giáo sư Nguyễn Văn Thuận.
Hàng trăm ý kiến nhận định rằng Việt Nam cần người thổi lửa cho thế hệ trẻ trở về quê hương xây dựng đất nước như giáo sư Thuận, và đất nước cũng như con người Việt Nam luôn chờ đợi đồng thời ủng hộ một người yêu nước như ông.
"Về Việt Nam sẽ tiếc sao? Ai cũng có tư tưởng như vậy thì làm sao đất nước mới phát triển được", đọc giả lấy tên Phan viết. ""Về thôi- nỗi lòng của bao người, 2 chữ thôi nhưng nhiều cảm xúc".
Độc giả nguyen khanh toan đánh giá cao tâm huyết của giáo sư Thuận. "Nếu ai cũng suy nghĩ và làm như giáo sư thì đất nước ta không nghèo lâu như thế này. Tôi mong những người có tâm với đất nước hãy vì cả dân tộc mà cống hiến hết sức mình để đưa đất nước phát triển hơn".
Độc giả L Q Vinh cũng hy vọng những người giỏi xa quê hướng một lòng một dạ hướng về tổ quốc, phụng sự đất nước. Đem khả năng, trí tuệ, khát vọng của người dân Việt cống hiến cho nước nhà.
Độc giả Đinh Hưng cho rằng, giáo sư Thuận về nước là đúng. "Nhiều bạn nói không nên vì chưa hiểu hết quá trình phát triển của Việt Nam. Theo độc giả này, Việt Nam đã tiến lên thành nước thu nhập khá, đó là nhờ những đóng góp của các nhà khoa học tiền bối đi trước giúp ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành khác phát triển như ngày hôm nay.
Nickname Mongdieutotdep viết: "Mong rằng giáo sư và học trò sẽ thay đổi cục diện và tình trạng của nước mình. Sinh viên nước ta rất giỏi, nhưng không có môi trường sống tốt nên họ đã bỏ đi nơi khác. Vì thế, cần một ai đó dẫn đầu cho phong trào nhân tài trở về lại chính ngôi nhà của mình".
Độc giả Trúc đặt câu hỏi: "Có phải đang đổ lỗi không? Sao lại nói là về nước thì không có điều kiện để làm những gì mình đã học vì thiếu thốn, vì lương, vì chính sách. Trong khi ở Việt Nam, bao nhiêu sáng tạo thiết thực lại đến từ những người nông dân. Phải chăng, nhà khoa học đang nghĩ đến những gì quá to tát mà quên mất những sáng tạo rất cơ bản, hữu dụng. Do đó, về nước họ chẳng biết làm gì cả".
Hương Thu