Tại hội thảo bàn về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh, do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức hôm thứ sáu, các chuyên gia tập trung chủ yếu hai vấn đề là: ảnh hưởng từ chất lượng xăng dầu và phán đoán các nguyên nhân khác gây cháy nổ.
Hàng chục vụ cháy xe chưa rõ nguyên nhân đã xảy ra trên cả nước. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Các chuyên gia cho rằng vì mục tiêu lợi nhuận, một số cơ sở kinh doanh đã pha thêm phụ gia methanol, acetone vào xăng để nâng trị số octan. Các chất này có thể gây ảnh hưởng đến linh kiện, phụ tùng của xe, gây rò rỉ nhiên liệu. Khi có tia lửa điện sẽ dẫn đến cháy nổ hoặc tạo thành một hỗn hợp các chất để tự kích nổ.
Nghi phạm methanol, acetone
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, nguyên viện phó Viện Khoa học Hình sự , người có kinh nghiệm hơn 30 năm điều tra rất nhiều vụ án liên quan đến cháy nổ, nghiêng về giả thuyết cháy xe do nhiên liệu.
Ông Hùng cho biết, nếu pha thêm acetone vào xăng, chỉ cần một liều lượng nhỏ sẽ làm cho chỉ số octan tăng thêm rất cao, có thể qua mắt nhà quản lý chất lượng. Acetone là chất dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm.
Xăng pha hàm lượng methanol cao cũng sẽ làm các gioăng này bị hỏng khiến nhiên liệu rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện, gây cháy nổ.
"Methanol có giá thành rất rẻ nên được sử dụng để tăng lợi nhuận cho người bán hàng, tác động của nó đối với động cơ rất nguy hiểm, dẫn đến cháy, nổ", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho hay, methanol có tính axit yếu tác dụng với ocxitnhom, theo quá trình phản ứng sẽ sinh ra khí hydro. Khí hydro nhẹ tự giải phóng ra ngoài qua các khe hở chất dẻo. Khi xe dừng, nồng độ hydro trong không khí từ 4 đến 76%, nằm trong mức nồng độ gây tự cháy của hydro.
“Chúng tôi trước đây làm ở Viện Khoa học Hình sự đã tìm ra nhiều vụ cháy do hydro gây ra”, ông Hùng nói thêm.
Đồng tình với nhìn nhận của ông Hùng, ông Vũ Thường Bồi, Hội Khoa học và Kỹ thuật Hàng không Việt Nam, các vụ cháy xe chủ yếu do chất lượng nhiên liệu kém do pha nhiều các chất phụ gia. Song xác suất xảy ra các vụ cháy không giống nhau, vì chất lượng các chi tiết của động cơ không giống nhau, do vậy tác dụng của các chất này lên động cơ là khác nhau.
Ông Đỗ Huy Thanh, Học viện Kỹ thuật quân sự cũng lưu ý nên tập trung vào nguyên nhân từ aceton và methanol.
Tham dự hội thảo với tư cách là nạn nhân của một vụ cháy xe, chị Trịnh Thanh Hằng, Hà Nội thuật lại: “3 giờ sáng đêm 26/12, khi tôi đang ngủ thì nghe có tiếng hô hoán cháy xe. Cả nhà choàng tỉnh thì chiếc xe Yamaha Cygnus để ngoài sân đang bốc cháy ngùn ngụt. Trước đó khoảng một tuần, do đang chạy thì hết xăng nên tôi có đổ xăng. Tôi rất phân vân, không thể nào do chập điện gây cháy nổ vì xe dựng ngoài sân đã hơn 30 tiếng”.
Trong thử nghiệm xăng pha 15% methanol công bố trong hội thảo này, xăng pha khi cho chạy không tải với xe máy đã gây chết máy liên tục, và khiến nhiệt độ của thân máy tăng cao hơn so với mẫu đối chiếu, chạy bằng xăng đạt chuẩn.
Nguồn lửa, hệ thống điện
Trong khi đó, ông Lê Cảnh Hòa, trưởng ban kỹ thuật nhiên liệu, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, nói không thể đổ nguyên nhân gây cháy do xăng có chứa methanol, acetone và ethanol được.
“Ethanol, methanol, acetone là hợp chất chứa ô-xy, cung cấp thêm ô-xy cho quá trình cháy, để tạo ra sự cháy hoàn toàn của xăng”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, mỗi ngày, một cửa hàng xăng đầu có tới hàng trăm lượt người tới đổ xăng, vậy nếu nói nguyên nhân cháy nổ xe là do xăng thì không thể lý giải được vì sao xe máy lại chỉ bốc cháy ở một vài trường hợp ngẫu nhiên.
Báo cáo kết quả kiểm tra một số mẫu xăng dầu trên toàn quốc của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy, hầu như không mẫu xăng nào bị nghi vấn có thể gây cháy nổ dù đại đa số các mẫu xăng ở khu vực phía nam không đạt tiêu chuẩn.
Về việc phát hiện có mẫu xăng methanol quá cao tại cây xăng ở Hà Nội, ông Hòa cho rằng, về tính chất, methanol không khác gì nhiều so với ethanol, do vậy vẫn có thể pha vào trong xăng với tiêu chuẩn do phép mà vẫn đảm bảo an toàn. Thêm nữa, trên thế giới, người ta không dùng methanol để pha vào xăng không phải vì sợ gây cháy nổ, mà vì tính độc của nó.
Một số nhà khoa học khác đặt vấn đề cần quan tâm đến nguồn lửa trong các vụ cháy xe. Ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm An toàn hóa chất Bảo vệ môi trường nhấn mạnh rằng một chiếc xe khi cháy phải hội tụ tất cả các yếu tố bao gồm chất cháy và nguồn lửa.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện cơ khí động lực, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đưa ra 5 nguyên nhân gây cháy xe, trong đó, ông Tuấn nhấn mạnh, hệ thống điện là "nghi phạm" lớn nhất.
Ông Tuấn phân tích, xe mới hay xe cũ cũng đều có nguy cơ cháy nổ khi hệ thống phụ tùng, đặc biệt là hệ thống điện, dây tiếp xúc, tiếp điểm, rơ le, sạc ác quy... có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt.
Cụ thể, trong trường hợp hệ thống bảo vệ đường điện không tốt kết hợp với việc bố trí các đường điện không cố định hay gần nguồn nóng từ động cơ có thể dẫn tới hiện tượng như cọ xát cơ khí và gây chập điện hay biến dạng nhiệt dần gây cháy.
Tiếp tục thử nghiệm
Kết thúc hội thảo, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, tiến sĩ Lê Xuân Rao đề nghị nhóm chuyên gia của trường đại học Bách Khoa xây dựng đền án gửi Sở đề xuất thử nghiệm các phương tiện. Một nhóm khác nghiên cứu về những đường phát gây nhiệt, lửa nhằm mục đích đảm bảo an toàn hệ thống điện trong xe.
"Sở sẽ tập hợp những nghiên cứu, ý kiến khoa học của các đại biểu tham dự hội thảo báo cáo lên Bộ, nhằm sớm triển khai những biện pháp ngăn chặn tình trạng cháy nổ xe hiện nay", ông Rao cho biết.
Trước đó, trước tình trạng xe máy và ô tô cháy hàng loạt, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các ngành liên quan gồm khoa học, công thương, giao thông nghiên cứu tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng hướng dẫn về phòng cháy, Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, từ đầu năm ngoái đến đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 72 vụ cháy xe (22 vụ xe máy và 50 vụ cháy xe ôtô) trong đó chỉ làm rõ được 25 vụ, còn 50 vụ (chiếm tới 70%) vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Hương Thu