Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đăng bức ảnh chụp tháp dung nham hình tròn cao 20 m ở vùng biển Hawaii trên Twitter hôm 29/3, theo Live Science. Thông thường, núi lửa bắn ra dòng dung nham dồn dập như đài phun nước ồ ạt. Nhưng trong bức ảnh chụp ngày 11/10/1969, dung nham phun trào đối xứng, tạo thành hình tròn hoàn hảo.
Tháp dung nham nóng đỏ này là khoảnh khắc đáng nhớ đối với USGS. Đó là kết quả từ vụ phun trào kéo dài suốt 5 năm, từ tháng 5/1969 đến tháng 7/1974, của lỗ thông Mauna Ulu, theo USGS. Mauna Ulu là lỗ thông ở khu vực rạn nứt phía đông của núi lửa Kilauea trên Đảo Lớn, Hawaii.
Vụ phun trào ở Mauna Ulu là lần phun lâu nhất và lớn nhất ở sườn phía đông núi lửa Kilauea trong ít nhất 2.200 năm. Vụ phun trào dài 1.774 ngày này làm bắn ra khoảng 350 triệu m3 dung nham, đủ để lấp đầy 140.000 bể bơi Olympic. Mauna Ulu không còn giữ kỷ lục lỗ thông núi lửa phun lâu nhất thế giới. Pu'u 'Ō'ō, miệng thông hơi ở khu vực rạn nứt phía đông núi lửa Kilauea phun trào gần như liên tục từ tháng 1/1983, theo báo cáo năm 2003 của USGS.
Tháp dung nham được chụp ở giai đoạn đầu của vụ phun trào ở Mauna Ulu. Góc chụp khiến người xem có cảm giác dung nham phun từ mặt nước nhưng thực chất nó nằm trên đất liền và "sóng biển" là những gợn dung nham mấp mô.
Tháp dung nham thường xuất hiện khi bọt khí hình thành nhanh và mở rộng trong lớp đá nóng chảy, thúc đẩy dòng dung nham phun ra ngoài. Dù trông khá ấn tượng, tháp dung nham ở Mauna Ulu không thuộc loại lớn. Tháp cao 10-100 m, một số thậm chí cao tới 500 m. Các nhà địa chất học phát hiện tháp dung nham có thể trào ra từ mạch phun và vết nứt riêng biệt, từ hồ dung nham và ống dung nham tiếp xúc với nước.
Phương Hoa