Theo Science Alert, tàn nhang là những chấm nhỏ chứa một lượng lớn sắc tố melanin, loại protein chịu trách nhiệm hình thành màu da, mắt và tóc của con người. Melanin được sản xuất bởi các tế bào biểu bì tạo hắc tố (melanocytes) giúp hình thành lớp bảo vệ da, nhằm ngăn chặn tia UV có hại.
Melanin thông thường phân bố đồng đều trên da người. Nhưng trong một số trường hợp, melanin tập trung lại thành những cụm nhỏ, và trở nên sẫm màu hơn khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời, tạo thành tàn nhang. Vết tàn nhang trở nên mờ hơn khi tiếp xúc với ít ánh nắng, chẳng hạn trong những tháng mùa đông.
Điều đặc biệt là chúng ta không bao giờ thấy em bé sơ sinh có vết tàn nhang, do da của chúng chưa tiếp xúc với ánh nắng.
Theo SciShow, các nhà khoa học chưa hoàn toàn chắc chắn lý do khiến một số người có melanin phân bố không đồng đều trên da. Nguyên nhân có thể liên quan đến gene MC1R. Gene này chỉ thị một số tế bào nhất định tạo ra protein tham gia vào quá trình sản xuất melanin.
MC1R quyết định hàm lượng hai sắc tố có trong da, tóc và mắt của con người: màu nâu sẫm (tạo ra bởi loại sắc tố melanin gọi là eumelanin), màu vàng hơi đỏ (tạo ra bởi loại sắc tố melanin gọi là pheomelanin).
"Nếu gene MC1R hoạt động bình thường, cơ thể bạn sản xuất nhiều eumelanin hơn, khiến tóc và da sẫm màu hơn. Nhưng nếu gene này hoạt động bất thường, cơ thể tạo ra nhiều pheomelanin, làm cho da trắng hơn, tóc vàng hoe và xuất hiện những vết tàn nhang trên cơ thể", chuyên gia Sarah Emerson giải thích trên trang Motherboard.
Lê Hùng