Đôi khỉ nhân bản Zhong Zhong và Hua Hua. Video: YouTube.
Vào cuối năm 2017, các nhà khoa học Trung Quốc cho ra đời đôi khỉ nhân bản đầu tiên trên thế giới bằng phương pháp từng được sử dụng để tạo ra cừu Dolly. Hai con khỉ Zhong Zhong và Hua Hua thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Các nhà khoa học tin rằng chúng chỉ là khởi đầu cho một loạt những con khỉ nhân bản vì mục đích nghiên cứu y khoa, theo Newsweek.
Mu-ming Poo, một trong các nhà khoa học tham gia dự án nhân bản khỉ, gọi Zhong Zhong và Hua Hua là "báu vật quốc gia". Nhưng điều gì sẽ xảy ra với đôi khỉ sau khi chúng không còn là tâm điểm truyền thông?
Một số tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật không chào đón việc nhân bản khỉ. Họ cho rằng Zhong Zhong và Hua Hua sẽ phải chịu đau khổ suốt đời.
Nhóm nghiên cứu cấy 79 phôi thai cho 21 con khỉ mẹ mang thai hộ, nhưng gần như tất cả khỉ chết trước khi sinh, chứng tỏ bản chất rủi ro của nghiên cứu. Hai con khỉ cái mang phôi thai đến kỳ sinh nở trải qua ca mổ đẻ để lấy con non đưa vào lồng ấp.
Nhưng theo Poo, đôi khỉ rất hoạt bát và sẽ có cuộc sống tốt. “Phần lớn thời gian chúng nô đùa như những con non bình thường. Chúng được giữ trong lồng ấp dành cho trẻ sơ sinh. Chúng chơi đồ chơi và nô đùa với nhau. Chúng tôi cử một y tá chăm sóc và cho chúng ăn. Chúng rất yêu quý y tá đó”, Poo cho biết.
Poo nhấn mạnh hai con khỉ đang phát triển bình thường và sắp có một chiếc chuồng đặc biệt cho phép chúng ra sân chơi với những con khỉ khác khi chúng lớn hơn. Các nhà nghiên cứu ở cơ sở của ông đang lên kế hoạch theo dõi sự phát triển của chúng bằng cách chụp ảnh não để xem chúng có tiếp tục phát triển như đồng loại trong tự nhiên hay không. Họ hy vọng những con khỉ nhân bản trong tương lai có thể được dùng cho nghiên cứu y học về các bệnh ở não.
Dù Trung Quốc chưa có bộ luật quốc gia về bảo vệ quyền lợi động vật, Poo chia sẻ phòng thí nghiệm của ông tuân theo các tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Mỹ vì công trình nghiên cứu của họ mang tính đa quốc gia.
"Ở Mỹ, có quy định thống nhất về cách đối xử với loài khỉ. Và chúng tôi phải tuân theo quy định quốc tế, nếu không công trình của chúng tôi sẽ không được công nhận, chúng tôi sẽ không thể xuất bản nghiên cứu, mọi người sẽ không thể đến và sử dụng cơ sở của chúng tôi. Để sử dụng trung tâm, mọi thứ cần theo tiêu chuẩn quốc tế và hợp đạo đức", Poo nói.
Poo khẳng định phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục chăm sóc Zhong Zhong và Hua Hua cho đến gần hết đời, sau đó họ sẽ gửi đôi khỉ tới một trang trại có chứng chỉ quốc tế, được phép nhân giống và xuất khẩu động vật sang các nước khác.
Theo Poo, khỉ nhân bản mang lại hiệu quả cao hơn trong nghiên cứu y sinh. Việc nhân bản những con khỉ giống nhau về di truyền học sẽ hợp lý về mặt đạo đức hơn là sử dụng khỉ bình thường.
Phương Hoa