Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học Địa chất ở Potsdam, Đức, phát hiện diện tích những khu vực ngoài trời trên Trái Đất được chiếu sáng nhân tạo vào ban đêm tăng lên 2% sau mỗi năm, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, theo BBC. Tình trạng "mất ban đêm" ở nhiều quốc gia đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho các quần thể thực vật, động vật và con người. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 22/11.
Nhóm nghiên cứu sử dụng vệ tinh quan sát thời tiết Suomi NPP của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để đo cường độ ánh sáng vào ban đêm tại các địa điểm khác nhau trên thế giới. Kết quả cho thấy, độ sáng ban đêm tại nhiều quốc gia thay đổi đáng kể theo thời gian.
Một số quốc gia "sáng nhất" như Mỹ và Tây Ban Nha vẫn giữ nguyên độ sáng như cũ. Hầu hết các nước ở khu vực Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á đều trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, độ sáng của Yemen và Syria giảm xuống do cả hai đang trải qua chiến tranh.
"Việc đưa vào sử dụng ánh sáng nhân tạo là một trong những thay đổi vật lý đáng kể nhất của con người đối với môi trường sống", Christopher Kyba, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Kyba và các cộng sự mong muốn nhìn thấy sự suy giảm độ sáng vào ban đêm ở các thành phố và khu công nghiệp giàu có, khi con người đang chuyển dần sang sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng. Do bộ cảm biến của vệ tinh không thể đo được phần xanh hơn của quang phổ ánh sáng đèn LED phát ra, nên tình trạng ô nhiễm ánh sáng thậm chí còn tệ hơn những gì đã ghi nhận.
Các chuyên gia cảnh báo ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học ở người, gây mất ngủ. Hoạt động di cư và sinh sản của chim, cá, động vật lưỡng cư, côn trùng và dơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các giai đoạn phát triển của cây xanh trở nên không bình thường. Con người không thể nhìn thấy sao và dải Ngân hà trên bầu trời đêm.
"Con người đang sử dụng quá nhiều ánh sáng vào ban đêm mà chưa thực sự nghĩ đến hậu quả. Cái giá phải trả không chỉ về kinh tế mà còn bao gồm hệ sinh thái và môi trường", Franz Holker, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Sinh thái Nước ngọt và Nghề cá Nội địa Leibniz (Đức), cho biết.
Lê Hùng