Màng treo ruột
Để trở thành cơ quan trong cơ thể, bộ phận đó phải liền khối và thực hiện một chức năng quan trọng, theo Popular Science. Giới khoa học từng cho rằng màng treo ruột (mesentery) là cấu trúc rời rạc ở hệ tiêu hóa, nhưng theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet Gastroenterology & Hepatology tháng 11/2016, màng treo ruột thực chất là một bộ phận liền khối.
"Hiện giờ chúng tôi đã xác định mặt giải phẫu và kết cấu của màng treo ruột. Bước tiếp theo là tìm ra chức năng của nó. Nếu hiểu rõ chức năng, chúng tôi có thể nhận biết tác dụng của nó đối với đường ruột và phát hiện bệnh lý", J Calvin Coffey, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Limerick, Ireland, cho biết.
Sau khi tái phân loại, các sinh viên y khoa sẽ được giảng dạy màng treo ruột là một cơ quan riêng biệt. Nó là nếp gấp phúc mạc chạy dọc khoang bụng nối ruột với thành bụng. Bộ phận cơ thể này từng xuất hiện trong mô tả của nhà bác học người Italy Leonardo da Vinci năm 1508 nhưng bị bỏ qua suốt nhiều thế kỷ.
Dây chằng đầu gối
Trong gần một thế kỷ, giới y khoa bỏ sót một bộ phận đầu gối liên quan đến nhiều chấn thương thể thao phổ biến.
Năm 1879, Paul Segond, bác sĩ phẫu thuật người Pháp, trông thấy một dải sợi ở đầu gối bệnh nhân. Dây chằng đặc biệt này là loại mô có tính dẻo dai, đóng vai trò kết nối xương với nhau. Sau thập kỷ 1970, cấu trúc và chức năng của nó vẫn là điều bí ẩn nên được đề cập rất hạn chế.
Năm 2013, các bác sĩ phẫu thuật người Bỉ nghiên cứu và xác định chính xác bộ phận trên là dây chằng trước bên (Anterolateral ligament - ALL), nằm ở mặt trước đầu gối có vai trò kết nối xương đùi và xương chày. Đây là bộ phận khác biệt so với 4 dây chằng khác, giúp ổn định khớp nối xương. ALL bảo vệ đầu gối khi chúng ta xoay chân và đổi hướng.
Bó chẩm đứng (VOF) trong não
Năm 2012, Jason Yeatman tại Đại học Washington, Mỹ và cộng sự xem xét một bó sợi thần kinh trong não dường như tham gia vào việc đọc của con người nhưng không được mô tả trong các tài liệu y học hiện đại.
Sau khi tham khảo một cuốn sách y học cũ trong thư viện, Yeatman tìm thấy cấu trúc này trong quyển atlas não do Carl Wernicke, nhà thần kinh học người Đức, vẽ vào năm 1881. Nó được gọi là bó chẩm đứng (vertical occipital fasciculus – VOF).
Yeatman xác định vị trí chính xác của VOF nhờ máy chụp cộng hưởng từ (MRI). "Bó chẩm đứng kết nối các khu vực não quan trọng giúp nhận biết hình dáng, chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt của một người bạn hoặc đọc từ ngữ, với vùng não giúp bạn chuyển động đôi mắt và tập trung vào một vị trí cụ thể trong không gian", Yeatman nói với Washington Post.
Lớp Dua sau giác mạc mắt
Lớp Dua có hình mái vòm là tập hợp các mô dày khoảng 15 micromet, nằm phía sau giác mạc của mắt, theo Live Science. Năm 2013, Harminder Dua, giáo sư về mắt tại Đại học Nottingham, Anh, phát hiện ra bộ phận này. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ophthalmology.
Trong một tuyên bố, Dua cho rằng phát hiện mới không chỉ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về cấu tạo mắt, mà còn giúp các ca phẫu thuật điều trị tổn thương ở lớp Dua trở nên an toàn hơn.
Dua và các cộng sự tin rằng bệnh phù giác mạc phát sinh do nước từ lớp Dua trào ra và tích tụ ở giác mạc. "Nhiều bệnh tác động tới phần sau của giác mạc. Giới chuyên gia nhãn khoa trên thế giới liên hệ lớp Dua với sự hiện diện hoặc biến mất của nước mắt", Dua nói.
Mạch bạch huyết não
Cơ thể người có một hệ thống ống dẫn nhỏ gọi là mạch bạch huyết. Chúng vận chuyển các tế bào miễn dịch đi khắp cơ thể để chống nhiễm trùng và loại bỏ chất thải như tế bào chết. Trong nhiều thế kỷ, giới khoa học cho rằng não là cơ quan duy nhất thiếu kết nối đến mạch bạch huyết.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Đại học Virginia, Mỹ, và các nhà khoa học châu Âu cùng phát hiện thấy mạch bạch huyết trong màng não. Chúng đóng vai trò dẫn chất dịch vào các hạch bạch huyết ở gần đó. Điều này có thể giải thích lý do các tế bào miễn dịch có thể vào và ra khỏi hệ thống thần kinh trung ương.
Việc lập bản đồ mạch bạch huyết của não có thể giúp các nhà khoa học hiểu biết thêm về các căn bệnh như Alzheimer và bệnh đa xơ cứng, một chứng rối loạn não bộ và tủy sống làm suy giảm chức năng thần kinh.
Lê Hùng