Các công nhân trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đưa một đồng nghiệp ra ngoài nhà máy sau khi người này phơi nhiễm phóng xạ hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị trận động đất và sóng thần hôm 11/3 tàn phá, gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới sau thảm họa Chernobyl vào năm 1986. Do các máy phát điện chính và dự phòng đều không hoạt động, nhiên liệu hạt nhân của ba trong số 6 lò phản ứng nóng chảy khiến phóng xạ rò rỉ ra ngoài. Cuộc khủng hoảng buộc hàng chục nghìn người sơ tán.
Các công nhân và kỹ sư trong nhà máy vẫn tiếp tục nỗ lực nhằm giảm lượng bức xạ rò rỉ, mặc dù lượng phóng xạ thấp hơn rất nhiều so với thời gian trước.
Mặc dù chính phủ khẳng định lượng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima I đang ở mức ổn định, một hội đồng chuyên gia do Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản thành lập tính toán rằng Nhật Bản cần chờ tới ít nhất 30 năm trước khi đóng cửa hoàn toàn nhà máy. Đây là nội dung một dự thảo báo cáo mà hội đồng chuyên gia đăng trên trang web của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, AP cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh: Guardian. |
Vào năm 1979, nhiên liệu trong một lõi lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Mỹ tan chảy khiến phóng xạ thoát ra ngoài. Sau đó các kỹ sư Mỹ mất tới 10 năm để dỡ các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng. Hội đồng chuyên gia của Nhật Bản nhận định quá trình tháo thanh nhiên liệu tại nhà máy Fukushima I phức tạp và cần nhiều thời gian hơn. Chi phí cho quá trình đó cũng cao hơn nhiều. Báo Yomiuri dẫn lời một số chuyên gia độc lập cho hay, việc tháo dỡ các thanh nhiên liệu có thể “ngốn” hơn 1,5 nghìn tỷ yên (19 tỷ USD).
Ban lãnh đạo của công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lý nhà máy Fukushima I, nói rằng họ đã làm nguội các lò phản ứng hư hại. Nhưng hoạt động sửa chữa và triển khai các biện pháp an toàn vẫn phải được thực hiện. Vì thế hội đồng chuyên gia cho rằng việc dỡ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng chỉ có thể bắt đầu từ năm 2021, sau khi quá trình sửa chữa bể chứa chúng hoàn tất.
Chính phủ cũng phải khử phóng xạ ở những khu vực xung quanh nhà máy. Lệnh cấm xâm nhập vào khu vực có bán kính 20 km xung quanh nhà máy vẫn còn hiệu lực.
Minh Long