Đại diện UNESCO Việt Nam trao danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng mưa nhiệt đới phía bắc dãy Trường Sơn. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc và Bắc Trung Bộ còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực biên giới Việt - Lào.
Độ che phủ của rừng trong toàn khu vực trên 80% với nhiều đỉnh núi cao như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đinh, Pù Mát..., là nơi lý tưởng để tiến hành các chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu.
Giá trị bảo tồn da dạng sinh học sinh của khu dự trữ sinh quyển thể hiện ở sự có mặt của gần 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao; 130 loài động vật lớn nhỏ; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá và 39 loài dơi... Trong đó có hơn 70 loài thực vật và 80 loài động vật có trong sách đỏ Việt Nam, như: Sao La, Chà vá chân nâu, Mang lớn, Thỏ vằn, Sa mu dầu...
Rừng săng lẻ trong Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Đặc biệt, khu dự trữ sinh quyển thế giới này còn bao gồm đặc trưng văn hoá - nhân văn nổi bật của cộng đồng người Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Đan Lai, Ơ Đu đang sống trong vùng sinh quyển.
Ngày 29/4, sau khi trao tặng danh hiệu cho UBND tỉnh Nghệ An, bà Katherine Muller Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: "Đây như là một phòng thí nghiệm sống lớn nhất Đông Nam Á, góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Việt Nam hiện có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có 6 khu dự trữ đã được UNESCO cấp bằng chứng nhận.
Nguyên Khoa