![]() |
Mũ băng trên sao Hoả. |
Những bức ảnh do tàu thăm dò toàn cầu sao Hỏa gửi về đã giúp các nhà khoa học đưa ra kết luận này. Người ta chưa rõ lý do của sự biến đổi đó, nhưng nó chứng tỏ rằng "khí hậu hiện tại và trong quá khứ của hành tinh Đỏ không hề ổn định", Michael Malin và đồng nghiệp tại Trung tâm nghiên cứu khoa học vũ trụ ở San Diego, California (Mỹ), nhận định.
Nhóm của Malin đã nghiên cứu các bức ảnh về mũ băng ở hai cực Hỏa tinh, chụp từ tháng 10/1999 tới tháng 8/2001. Họ nhận thấy các hố trên băng mở rộng ra vài mét (ảnh dưới). Theo dự đoán, nếu quá trình này là do CO2 trong băng bốc hơi, thì sau mỗi thập kỷ, lượng CO2 tích tụ trong khí quyển sao Hỏa sẽ tăng khoảng 1%.
![]() |
Các hố trên mũ băng mở rộng dần trong năm. |
Hiện tại, bầu khí quyển sao Hỏa rất mỏng, áp suất của nó chưa bằng 1% so với trên trái đất, và chứa phần lớn khí cácbônic. Tuy nhiên, nếu CO2 không ngừng được bổ sung vào đó, bầu khí quyển này sẽ ngăn cản quá trình bức xạ ngược của ánh sáng mặt trời trở lại vũ trụ, làm hành tinh này ấm lên.
Ngoài việc chụp ảnh, tàu thăm dò toàn cầu sao Hỏa còn mang theo dụng cụ đo độ cao bằng laser - một thiết bị có thể phát hiện chênh lệch độ cao của lớp băng chính xác tới hàng cm. Họ nhận thấy giữa mùa đông và mùa hè, mũ băng này vênh nhau đến 1 m. Điều này chứng tỏ đã có một lượng đáng kể CO2 được hút đi và nhả lại cho khí quyển.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, mũ băng ở cực bắc và cực nam Hỏa tinh dường như biến đổi cùng mức độ, mặc dù theo hình dạng lệch của quỹ đạo, cực bắc hành tinh này có vẻ nóng hơn cực nam.
B.H. (theo Nature)