BBC đưa tin máy gia tốc hạt Tevatron, được đặt trong một đường hầm hình trong có chiều dài 6,28 km gần thành phố Chicago, phóng những luồng hạt cuối cùng vào ngày 30/9.
Bắt đầu hoạt động từ năm 1983, Tevatron từng là cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới cho đến khi máy gia tốc hạt lớn của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) ra đời. Từ năm 1985, các kỹ sư liên tục sử dụng Tevatron để bắn các luồng hạt proton và phản proton với tốc độ gần bằng ánh sáng. Do bị bắn từ hai phía khác nhau nhưng lại di chuyển trong cùng một vòng tròn, các luồng hạt proton và phản proton va chạm với nhau. Các nhà khoa học hy vọng những vụ va chạm như thế sẽ giúp họ khám phá nhiều bí mật của vũ trụ.
Tevatron được đặt trong một đường hầm hình tròn có chiều dài 6,28 km. Ảnh: BBC. |
Cỗ máy Tevatron đã giúp giới khoa học đạt được nhiều thành tựu cực kỳ quan trọng, như tìm ra hạt quark top - loại hạt cơ bản có khối lượng lớn nhất.
Nỗ lực kéo dài thời gian hoạt động của Tevatron tới năm 2014 bị dập tắt vào tháng 1 do Bộ Năng lượng Mỹ không thể chi thêm 35 triệu USD mỗi năm cho việc vận hành cỗ máy. Sau đó Trung tâm thí nghiệm Fermilab, đơn vị sử dụng Tevatron, thông báo sa thải 100 người làm việc tại cỗ máy do thiếu kinh phí.
Quyết định đóng cửa Tevatron là một cú sốc đối với các nhà vật lý đang cố tìm kiếm hạt Higgs (hay còn gọi là hạt của Chúa). Nếu hạt Higgs được phát hiện, giới khoa học có thể chứng minh được sự tồn tại của vật chất tối, thứ được cho là chiếm tới 3/4 vũ trụ. Với việc Tevatron ngừng hoạt động, máy gia tốc hạt lớn của CERN sẽ là cỗ máy duy nhất có khả năng giúp giới khoa học tìm kiếm hạt của Chúa.
Minh Long