Tiến sỹ Silaghi-Dumitrescu đến từ Đại học Babeş-Bolyai, Cluj-Napoca, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết thành phần chính của loại máu nhân tạo này bao gồm muối, nước, một loại protein có tên là hemerythrin được chiết xuất từ sâu biển.
Trong quá trình nghiên cứu và chế tạo máu nhân tạo, các nhà khoa học nhận thấy protein hemerythrin có thể chịu được các áp lực cơ học hay hóa học, khác với các loại protein khác như hemoglobin, Science World Report cho hay.
Máu nhân tạo có khả năng thay thế chức năng của máu thật như cung cấp oxy cho các mô và tế bào của cơ thể trong một vài giờ hoặc có thể cả ngày. Thử nghiệm máu nhân tạo tổng hợp đối với cơ thể chuột cũng không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra.
Với việc chế tạo thành công máu nhân tạo tổng hợp, các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện kế hoạch tạo ra "máu khẩn cấp", sử dụng protein hemerythrin và muối, có khả năng vận chuyển được dễ dàng và chuyển thành máu nhân tạo khi cho thêm nước.
Việc thử nghiệm lâm sàng loại máu này với cơ thể người có thể sẽ được tiến hành sau một hoặc hai năm tới.
Nhóm nghiên cứu hi vọng loại máu nhân tạo này sẽ góp phần đáp ứng tình trạng thiếu hụt nguồn máu dữ trữ phụ vụ cho y học trong các trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, nhiều nhà khoa học đã cố gắng tạo ra máu nhân tạo trong khoảng 6 năm, nhưng chỉ tạo ra được dạng chất lỏng không có khả năng chịu được sức ép cơ học và hóa học.
Thùy Linh