Khi siêu bão Irma sắp đổ bộ vào Mỹ với sức gió 300 km/h, các báo cáo về sức mạnh phá vỡ kỷ lục của cơn bão làm dấy lên tin đồn rằng các nhà khoa học đang chuẩn bị đưa ra cấp phân loại mới và Irma có thể trở thành cơn bão cấp 6 đầu tiên.
Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định dù Irma có sức mạnh lớn chưa từng thấy, tin đồn này là sai. Sẽ không có siêu bão cấp 6 bởi việc tạo thêm một cấp bão nữa hoàn toàn vô nghĩa, theo Popular Science.
Bão Irma quan sát từ vệ tinh thời tiết của NOAA. Video: Twitter.
Sức mạnh của bão được đánh giá dựa theo thang Saffir–Simpson, được phát triển lần đầu tiên vào năm 1971 bởi kỹ sư dân sự Herbert Saffir và nhà khí tượng học Robert Simpson. Thang phân loại này chuyên dùng cho những cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương và phía bắc Thái Bình Dương.
Thang Saffir-Simpson chỉ phân loại bão dựa trên sức gió, sử dụng tốc độ tối đa của những cơn gió liên tục di chuyển để chia bão thành 5 cấp.
Cấp 1 là những cơn gió rất nguy hiểm gây ra một số thiệt hại, sức gió từ 119 đến 153 km/h. Bão cấp 2 có những cơn gió tốc độ 154-177 km/h vô cùng nguy hiểm gây thiệt hại trên diện rộng. Ở cấp 3, cơn bão có sức tàn phá lớn với sức gió 178-208 km/h. Thiệt hại ở bão cấp 4 được xem như thảm họa do sức gió lên tới 209 - 251 km/h. Cấp cao nhất là bão cấp 5, gây ra thảm họa trên diện rộng với sức gió trên 252 km/h.
Bão Irma quan sát từ trạm Vũ trụ Quốc tế. Video: NASA.
Nhiều người cho rằng siêu bão Irma cần phải được xếp vào cấp 6 bởi sức gió ở mức 300 km/h của nó cao hơn nhiều so với mốc phân loại của bão cấp 5.
Tuy nhiên, đó là vấn đề có thể gây tranh cãi bởi thang Saffir-Simpson không tồn tại để tùy ý phân loại bão thành các cấp dựa trên mức độ thể hiện sức mạnh. Thang phân loại này được thiết kế để phản ánh thiệt hại mà một cơn bão sẽ gây ra đối với nhà cửa và những công trình nhân tạo khác trên đường đi của nó. Bão cấp 5 là thiệt hại lớn ngang với thảm họa trên diện rộng và thực sự không có cấp độ thiệt hại nào lớn hơn nữa.
Tiến sĩ Simpson từng giải thích lý do không có bão cấp 6 hay các cấp cao hơn trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2001 với Sun-Sentinel.
"Tôi nghĩ phân loại như thế không cần thiết. Bởi khi phải đối phó với gió mạnh trên 252 km/h, bạn đã hứng chịu đủ thiệt hại. Nếu cơn gió giữ nguyên vận tốc trong 6 giây quét qua tòa nhà, nó sẽ gây ra các đoạn nứt vỡ nghiêm trọng dù công trình được thiết kế tốt tới đâu. Cơn gió mạnh cỡ này có thể thổi bay cửa sổ, đủ sức làm gãy cầu thang, phá nát buồng thang máy. Bạn thậm chí không thể sử dụng thang máy sau khi bão đi qua. Đó là lý do chúng tôi không cố đưa ra những cấp phân loại cao hơn", tiến sĩ Simpson cho biết.
Phương Hoa