Từ nhiều tháng nay, dự án đập thủy điện của Lào đang là vấn đề nóng gây tranh cãi ở khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Phe ủng hộ, bao gồm Lào và một số công ty của Thái Lan, cho rằng dự án xây đập không gây ảnh hưởng về môi trường đáng kể đối với các nước láng giềng. Họ nói dự án này tạo ra nguồn điện giá rẻ và công ăn việc làm.
Phe phản đối, gồm nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trong khu vực và các nhà khoa học Việt Nam, Campuchia, kể cả các tổ chức môi trường Thái Lan, e ngại về tác động môi sinh cũng như nguy cơ mất nguồn cá - thực phẩm quan trọng đối với hàng chục triệu người sống ở hạ lưu con sông này.
Vị trí dự án thủy điện Xayaburi trong tiểu vùng Mekong. Đồ họa: NYT |
Xayaburi là một trong 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mekong. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long gần 2000 km. Đập thủy điện dự kiến dài 810 m, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ được bán cho Thái Lan.
Tháng 10/2010, chính phủ Lào gửi thông báo về dự án xây dựng đập Xayaburi cho các nước thành viên Ủy hội sông Mekong (MRC). Ủy hội gồm các thành viên Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ủy hội đã yêu cầu Lào cung cấp các thông tin theo đúng quy định: bao gồm thông báo, tham vấn và thỏa thuận. Ủy hội cũng yêu cầu các nước trong khu vực tiến hành quá trình tham vấn trong 6 tháng, sau đó gửi báo cáo cho MRC, để đi đến phương án thống nhất vào tháng 4/2011. Theo thỏa thuận có từ năm 1995, các nước thuộc Ủy hội bắt buộc phải trải qua quá trình tham vấn mỗi khi có dự định xây đập thủy điện trên Mekong.
Ngày mai 19/4, các thành viên của Ủy hội sẽ họp để ra quyết định chính thức có chấp thuận dự án thủy điện Xayaburi hay không.
'Đã khởi công cách đây 5 tháng'
Tuy nhiên, một phóng sự điều tra đăng trên tờ Bangkok Post hôm qua cho hay các công việc chuẩn bị cho dự án như làm đường, công tác chuẩn bị di dân, đã bắt đầu từ cách đây 5 tháng.
Vị trí Lào dự định xây đập Xayaburi. Ảnh: internationalriver.org. |
Quanh khu vực dự định đặt đập thủy điện, phóng viên báo Thái Lan quan sát thấy xe máy của một công ty xây dựng của Thái Lan - đối tác của Lào trong tiến trình làm dự án - đến thi công. Một số con đường lớn đã và đang được làm.
Công trình xây dựng một con đường dài 30 km từ làng Ban Nara tới làng Ban Talan và làng Ban Houay Souy, nằm gần địa điểm đề xuất xây đập, đang được san ủi.
Theo người dân địa phương, con đường bộ này được khởi công cách đây khoảng năm tháng.
"Như vậy Lào đã khởi công công trình xây dựng đập chỉ một tháng sau gửi các tài liệu cần thiết cho MRC, bao gồm cả đánh giá tác động môi trường để ủy ban này xem xét", tờ Bangkok Post có đoạn.
Cùng với việc chuẩn bị đường sá, chính quyền Lào bắt đầu cho di dời dân tới khu vực khác. Cư dân ở gần địa điểm xây đập nói họ được bồi thường khoảng 15 USD để di chuyển.
Lo mất nguồn dinh dưỡng
Các nước thuộc MRC, trong đó có Campuchia và Việt Nam, đã lên tiếng phản đối dự án Xayaburi, yêu cầu tạm ngừng để xem xét tác động một cách thấu đáo trước khi tiến hành.
Campuchia cho rằng đập Xayaburi sẽ làm giảm nguồn lợi thủy sản, ngăn cản sự di cư của cá và gây ra thảm họa về an ninh lương thực. Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ở Campuchia cảnh báo rằng nguồn protein từ cá sẽ biến mất, thay vào đó Campuchia sẽ mất phí tổn để nhập thêm thịt.
Cá mang đến nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với Campuchia. Thủ tướng nước này Hun Sen từng tuyên bố "cá là thực phẩm cơ bản" đối với người dân.
Cá thường di chuyển lên thượng nguồn mỗi khi đến mùa sinh sản. Mỗi khi đập được dựng lên trên sông, một số loài không đủ khả năng vượt qua độ cao của đập, dẫn đến suy giảm khả năng sinh sản, giảm số lượng cá con và vì thế giảm sản lượng đánh bắt ở hạ nguồn.
Xe máy tại công trường làm đường dẫn tới khu vực định đặt đập thủy điện Xayaburi. . Ảnh: Bangkokpost. |
Tại Việt Nam, nhiều tổ chức và nhà khoa học cũng lên tiếng phản đối việc xây đập Xayaburi. Giáo sư Phạm Hồng Giang, Ủy hội Đập lớn thế giới, cho rằng việc xây dựng đập trên dòng chính cần chờ 10 năm nữa, khi có các nghiên cứu khoa học sâu hơn về tác động tổng thể môi trường.
Theo ông Giang, nếu thủy điện Xayaburi được tiến hành, sẽ tạo tiền lệ xấu, mở đường cho 11 dự án thủy điện khác trên dòng chính của sông Mekong, trong khi vẫn chưa lường hết tác động của các đập trên dòng chính.
Trong số các nguy cơ mà đập Xayaburi mang đến, có những tác động xấu như thay đổi dòng chảy, gây xói lở, mất nguồn phù sa; thay đổi môi trường sống của nhiều loài thủy sản, nhất là loài cá, kéo theo hàng triệu người dân ven sông mất nguồn sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản, ông Giang phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng, không nên xây dựng đập thủy điện Xayaburi.
"Quá trình tham vấn kéo dài 6 tháng, nhưng Lào cho khởi động xây dựng trước khi có kết luận tham vấn, cho thấy Lào chưa quan tâm đúng mức đến các ý kiến phản biện", ông Hòe nhận xét.
Ông Hòe cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đang có kế hoạch xây 7 nhà máy thủy điện dọc sống Nam Ou, một trong các phụ lưu lớn nhất của dòng Mekong trên đất Lào. "Nếu điều đó xảy ra, sông Mekong sẽ bị nguy ngập bởi Lào là nơi đóng góp tới 30% lưu lượng nước cho Mekong".
Các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức nhiều lần lấy ý kiến về dự án, và đều bày tỏ sự không đồng tình thực thi Xayaburi lúc này, mà cần chờ khi có những đánh giá nghiêm túc và toàn diện hơn.
Giải pháp thay thế
Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) tuần trước vừa ra cảnh báo rằng xây dựng một đập thủy điện trên dòng chính Mekong sẽ làm gián đoạn đường đi của nhiều loài cá, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người dân sinh sống tại khu vực sông Mekong.
WWF cho rằng, nên hoãn xây dựng đập trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới nhằm đảm bảo tất cả các tác động của việc xây dựng và vận hành đập được đánh giá một cách toàn diện. Để đáp ứng nhu cầu điện năng, WWF khuyến khích thực thi các dự án thuỷ điện bền vững trên một vài phụ lưu lựa chọn.
Nghiên cứu của WWF cho thấy, xây dựng đập trên các nhánh phụ của sông Mekong có thể cho lượng điện năng tương đương với những con đập xây trên dòng chảy chính, mà lại hạn chế được tác động tiêu cực lên dòng sông.
“Điều đáng báo động ở đây là những tác động tiêu cực của các con đập xây dựng tại nhánh chính hạ lưu sông Mekong, như dự án đập Xayaburi tại bắc Lào, sẽ lớn hơn nhiều lần so với tác động của đập xây trên nhánh phụ khi xét về độ liên kết hệ sinh thái”, chuyên gia Nikolai Sindorf của WWF nói.
Kết luận của MRC sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày mai tại thủ đô Lào, sau quá trình tham vấn dài 6 tháng. Tuy nhiên kết luận này không có tính ràng buộc pháp lý.
Hương Thu