T-rex. |
Nghiên cứu được công bố trong tạp chí Royal Society's Proceedings B ủng hộ giả thuyết năm 1996 rằng T.rex sử dụng phương pháp chọc-giật, có nghĩa là con quái vật dài 12 m, cao 3,6 m này, đầu tiên cắn giúi con mồi xuống để gặm nát xương, rồi lùi lại để xé rách thịt.
Trong cuộc phân tích mới, nhà cổ vật học Emily Rayfield tại Đại học Cambridge đã tạo ra một mô hình số về chiếc sọ có kích thước 1,3 m, và lập một chương trình máy tính để tìm hiểu sức ép lên từng phần của chiếc sọ khi nó ăn mồi. Cô đã nghiên cứu kỹ những đường ráp giữa các mảnh sọ. Ở một số động vật, những đường rãnh này có thể chặt cứng, nhưng ở T-rex, những vùng này cơ động để hoá giải sức ép và sức căng khiến nó trở nên linh hoạt hơn.
Mô hình xương sọ T-rex. |
Theo nghiên cứu, bí quyết để con vật nặng 7 tấn xơi mồi thành công chính là ở cái mõm to xù xì, hai gò má thấp và hàm răng chuyên dụng. Rayfield giải thích rằng những cặp xương mũi dày trong mõm của khủng long giúp chống lại lực nén và kéo. Những đường khớp trên gò má thấp giúp trượt và uốn. Chúng cũng có tác dụng giảm xóc. Cuối cùng, những chiếc răng sắc nhọn dài 15 cm có cấu trúc giống cái móc để nhai thịt của những con khủng long khác.
"Tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Denver có một con khủng long ăn cỏ gọi là Edmontosaurus, có vẻ như nó đã thoát khỏi nanh vuốt của T-rex. Ở đuôi con vật có một khối xương bị mất, dấu vết của nó rất khớp với hàm răng của T-rex. Chúng tôi biết được con vật đã sống sót trong cuộc tấn công kinh hoàng đó là bởi phần cuối của xương đuôi đã lành lặn", Rayfield nói.
Một con vật khác không được may mắn như vậy là Triceratops đến từ Montana. T-rex, sống khoảng 68-65 triệu năm trước đây ở vùng nay là Bắc Mỹ, có thể đã giết Triceratops bằng cách chọc răng vào xương con mồi rồi kéo mạnh trên bề mặt, để lại những vết xước rõ rệt trên hoá thạch của Triceratops.
Những bằng chứng đã cho thấy T-rex nhai cả xương con mồi, nhưng không hẳn chúng đã có một bữa xơi ngon lành. "Chúng tôi tìm thấy một hoá thạch phân của T-rex gồm rất nhiều mảnh xương khủng long vỡ vụn, cho thấy con vật đã gặm xương như thế nào, nhưng lại không tiêu hoá được nhiều. Không một con vật nào ngày nay hoặc thuộc thời kỳ khủng long nhai mồi như T-rex", Rayfield cho biết.
Khủng long Allosaurus thuộc kỷ Jura muộn cũng có miếng cắn rất mạnh, nhưng không khoẻ bằng T-rex. Ngày nay, linh cẩu có thể cắn gẫy xương mồi và cá sấu cũng có cú ngoạm ấn tượng. Tuy nhiên, kỹ thuật ăn mồi và cấu trúc bộ sọ khác với T-rex.
Gregory Erickson, nhà nghiên cứu khủng long tại Đại học Florida, cũng nhận xét cú ngoạm của T-rex ấn tượng đến nỗi khi con quái vật cắn rách xương và thịt mồi thì có cảm giác như ta rút một con dao nóng qua tảng bơ.
Minh Thi (theo Discovery)