Nhà cổ sinh vật học Mike Boyd và Dean Lomax từ Đại học Manchester xác định hóa thạch được tìm thấy gần Whitby, North Yorkshire, Anh, là xương thằn lằn cá với 6 - 8 phôi thai, ScienceDaily hôm 5/4 đưa tin. Hóa thạch này được tìm thấy năm 2010 và do nhà sưu tầm hóa thạch Martin Rigby cất giữ. Hóa thạch được đưa về Bảo tàng Yorkshire.
Thằn lằn cá là động vật bò sát sống dưới nước trong kỷ Jura. Chúng đẻ con thay vì đẻ trứng, là động vật ăn thịt với con mồi chính gồm nhiều loài bò sát khác, cá và động vật không xương sống dưới biển như belemnite, sinh vật trông giống mực.
Nhóm chuyên gia tìm thấy khá nhiều hóa thạch thằn lằn cá tại Anh nhưng trong đó chỉ 5 hóa thạch có phôi thai, số phôi thai cũng không nhiều như lần này. Cả 5 đều được phát hiện ở khu vực tây nam và khoảng 190 - 200 triệu năm tuổi. Đây là lần đầu tiên hóa thạch dạng này được tìm thấy ở Yorkshire.
Hóa thạch khoảng 180 triệu năm tuổi, là tảng đá được xẻ đôi và làm nhẵn, để lộ vài chiếc xương sườn lớn của con trưởng thành, xương sống và nhiều chiếc xương rất nhỏ. Có ít nhất 6 phôi thai và có thể tổng cộng là 8, theo Boyd và Lomax.
"Chúng tôi cũng cân nhắc trường hợp số xương nhỏ là thức ăn trong dạ dày, nhưng ít khả năng thằn lằn cá nuốt 6 - 8 phôi thai bỏ đi hoặc con non cùng lúc. Phôi thai cũng không có dấu hiệu bị axit dạ dày làm mòn. Hơn nữa, chúng không giống bất cứ loại thức ăn trong dạ dày nào thường thấy ở thằn lằn cá trong thế Jura Sớm, ví dụ như belemnite", Boyd cho biết.
Có 8 loài thằn lằn cá được phát hiện với phôi thai, phổ biến nhất là Stenopterygius. Các nhà khoa học từng tìm thấy hơn 100 hóa thạch thuộc loài này tại Holzmaden, Đức, và khu vực xung quanh.
"Hóa thạch ở Đức có niên đại tương đương với hóa thạch mới ở Whitby. Có thể đây cũng là Stenopterygius, nhưng không còn đặc điểm nào trên con trưởng thành hay phôi thai giúp nhận dạng. Dù sao đây vẫn là phát hiện quan trọng", Lomax nhận xét.
Thu Thảo