Các nhà khoa học tìm thấy hài cốt một người đàn ông lắp dao làm bàn tay giả tại nghĩa địa của người Longobard ở phía bắc Italy, Science Alert hôm 13/4 đưa tin. Người này có thể sống ở thế kỷ 6 đến thế kỷ 8, khoảng 40 - 50 tuổi với cánh tay phải bị cắt cụt từ giữa cẳng tay.
Vết thương hình thành do tác động vật lý nhưng chưa rõ nguyên nhân hay cách thức, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Ileana Micarelli tại Đại học Sapienza. Có khả năng cẳng tay được cắt để chữa trị khi người này vô tình ngã hoặc gặp tai nạn khác làm gãy tay và không thể lành lại. Tuy nhiên, với văn hóa chiến binh của người Longobard, cũng có thể vết thương xảy ra trong khi chiến đấu.
Khi kiểm tra kỹ hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện dấu vết cho thấy phần cuối hai xương cẳng tay tái định hình để hình thành sẹo và gai xương ở xương trụ. Điều này phù hợp với tác động mà việc lắp bộ phận giả có thể gây nên.
Ngoài ra, răng của người này rất mòn, đặc biệt là phía bên phải. Có thể anh ta lấy răng siết chặt dây đai dùng để cố định bộ phận giả. Vai của người này cũng cho thấy điều tương tự. Phần xương hơi biến dạng do thường xuyên giữ vai mở rộng không tự nhiên để điều chỉnh bộ phận giả.
Hài cốt những người đàn ông khác trong nghĩa địa có phần tay và vũ khí đặt hai bên. Tuy nhiên, trường hợp của người này thì khác. Cánh tay phải gập lại ở khuỷu tay, vắt ngang qua thân. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một lưỡi dao, khóa chữ D và vật liệu hữu cơ phân hủy, nhiều khả năng là da.
Có thể người này đã lấy da bọc quanh cánh tay cụt, dùng khóa để thắt chặt và lắp thêm lưỡi dao. Độ lành của xương cho thấy anh ta đã sống tiếp một thời gian dài sau khi mất bàn tay.
"Người đàn ông Longobard cho thấy khả năng sinh tồn tuyệt vời khi bị cụt cẳng tay trong thời kỳ chưa có kháng sinh", nhóm nghiên cứu nhận định. Anh ta thích ứng tốt với tình trạng mới và nhận được sự trợ giúp lớn từ cộng đồng.