Trăng tròn lần thứ nhất của tháng này vào ngày 2/12 (ngày 16/10 âm lịch), và hôm nay tròn một lần nữa.
Hiện tượng trăng tròn hai lần trong tháng được gọi là "blue moon" (trăng xanh) trong tiếng Anh. Tuy nhiên mặt trăng không hề phát ra ánh sáng màu xanh dương khi nó tròn lần thứ hai trong tháng. Một số tài liệu ghi nhận trăng có màu xanh dương vào năm 1980 và 1991 do ô nhiễm không khí (các hạt bụi làm phân tán tia sáng xanh khiến chúng ta thấy mặt trăng có màu xanh).
Theo Trung tâm dữ liệu khoa học vũ trụ quốc gia thuộc NASA, khi ngọn núi lửa Krakatoa tại Indonesia hoạt động vào năm 1883, nó phun ra một lượng khói bụi khổng lồ vào không khí khiến mặt trăng có màu xanh. Hiệu ứng này diễn ra trong gần hai năm khiến nhiều người tin rằng trăng thực sự có màu xanh khi nó tròn lần thứ hai trong tháng.
Trăng tròn vào đêm 31/12 là hiện tượng hiếm. Ảnh: salon.com. |
National Geographic cho biết, thông thường mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Nhưng do mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch nên cứu sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch với 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn. Theo lịch âm thì 2009 có 13 tháng và ngày 31/12 năm nay rơi vào 16/11 âm lịch. Vì thế mà người dân trên khắp hành tinh sẽ được ngắm trăng tròn lần thứ hai vào đúng đêm cuối cùng của năm dương lịch.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định trăng tròn vào đúng ngày 31/12 là hiện tượng hiếm. Lần gần đây nhất trăng tròn vào đêm cuối cùng của tháng 12 đã xảy ra vào năm 1990 - tức là cách đây gần hai thập kỷ.
"Trăng tròn lần thứ hai vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới không hề có ý nghĩa quan trọng về mặt thiên văn. Nhưng nó cho phép chúng ta hiểu rằng công lịch (dương lịch) được xây dựng dựa trên chuyển động của các thiên thể", Mark Hammergren, một nhà thiên văn của Bảo tàng Thiên văn và mô hình vũ trụ Adler, Mỹ, phát biểu.
Giáo sư Philip Hiscock của Đại học Newfoundland, Canada nói với CNN rằng thuật ngữ "blue moon" đã ra đời cách đây hơn 400 năm, nhưng nghĩa của nó thay đổi theo thời gian.
"Tôi thống kê được 6 nghĩa khác nhau của thuật ngữ này, trong đó ít nhất 4 nghĩa vẫn được sử dụng rộng rãi đến tận ngày nay", ông nói.
Minh Long
Gửi ảnh "trăng xanh" của bạn để chia sẻ với các độc giả VnExpress.